00:00 Số lượt truy cập: 2691863

Hai giống chè mới PH8, PH9 

Được đăng : 03/11/2016

Bằng phương pháp lai hữu tính giữa giống chè Kim Tuyên nhập nội từ Đài Loan với giống chè TRI777, Viện NLN miền núi phía Bắc (Nomafsi) gần đây đã tạo ra hai giống chè PH8, PH9.


Kết quả theo dõi hình thái lá trưởng thành (35-40 ngày tuổi) cho thấy: Cả 2 giống PH8, PH9 đều có lá dày, màu xanh đậm, diện tích lá trung bình, lá hình bầu dục, đều có 7- 9 đôi gân lá chính, răng cưa nông và tương đối đều, lá phẳng bóng đây là biểu hiện của giống có năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Về hình dạng lá giống PH9 rất giống lá của cây bố Kim Tuyên. Lá chè PH8 hơi thuôn dài giống lá của cây mẹ TRI777.

Đặc điểm hình thái búp: Giống PH8, PH9 có búp hơi phớt tím tương tự Kim Tuyên, có lông tuyết hơn Kim Tuyên. Chiều dài búp tôm 3 lá tương đương TRI 777, khối lượng búp tôm 3 lá của giống PH9 lớn hơn PH8.

Năng suất: Sau 4 năm liên tục theo dõi năng suất của các giống cho thấy 2 giống lai PH8, PH9 sớm cho năng suất cao, ngay ở tuổi 2 cho thu bói đã đạt 2,65 – 2,71 tấn/ha tương đương với LDP1. Từ năm thứ 3 giống nghiên cứu có năng suất cao hơn so đối chứng. Năng suất bình quân trong 4 năm theo dõi: Giống PH8 có năng suất cao nhất đạt 6,87tấn/ha, giống PH9 năng suất tương đương LDP1.

Giống PH8, PH9 có hàm lượng tanin thấp hơn so giống TRI777 và LDP1, chất hòa tan cao hơn Kim Tuyên. Đây là 2 chỉ tiêu rất thích hợp cho chế biến chè xanh chất lượng cao. Các chỉ tiêu hàm lượng chất thơm, axit amin, catechin cho thấy cả 2 giống PH8 và PH9 đều cao hơn so đối chứng.

Kết quả chế biến chè xanh từ nguyên liệu giống PH8, PH9 qua đánh giá cảm quan cho thấy sản phẩm có ngoại hình đẹp, hương thơm tự nhiên đặc trưng, vị đậm dịu có hậu, chế biến ở cả vụ xuân, vụ hè chất lượng đều tương đương với giống chè Kim Tuyên.

Giống PH8, PH9 sinh trưởng trong vườn ươm khoẻ, dễ giâm cành, tỷ lệ sống và xuất vườn cao tương đương với giống TRI 777. Hệ số nhân giống của 2 giống PH8, PH9 cao tương đương với giống LDP1 và cao hơn cả bố mẹ là Kim Tuyên, TRI 777.

Tình hình sâu bệnh hại chính: Giống PH8, PH9 bị hại bởi rầy xanh và bọ cánh tơ tương đương với LDP1, cao hơn Kim Tuyên và TRI777. Nhện đỏ hại tương đương Kim Tuyên và TRI777, riêng bọ xít muỗi mức bị hại ít hơn nhiều. Đặc biệt hai giống TRI 777 và Kim Tuyên bị hại bởi rệp phảy rất nặng đã có nhiều diện tích TRI 777 phải thay thế bằng giống khác do rệp phảy. Qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy giống PH8, PH9 bị hại bởi rệp phảy rất ít.

Đánh giá chung, giống chè mới PH8, PH9 có sức sinh trưởng khoẻ, sớm giao tán và cho năng suất cao, hơn và tương đương LDP1 (một trong những giống chè lai trồng phổ biến hiện nay). Nguyên liệu giống PH8, PH9 phù hợp cho chế biến chè xanh, chè đen. Chất lượng chè xanh đạt điểm cao (16,27-18,78 điểm). Nguyên liệu chè PH8 còn có thể chế biến chè Olong. Khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt chống chịu rệp phẩy tốt hơn bố mẹ Kim Tuyên và TRI777. Khả năng giâm cành tốt, tỷ xuất vườn cao đạt 80,2%.

Đặc điểm 2 giống bố mẹ của PH8 và PH9

+ Giống chè Kim Tuyên: Khi nhập vào Việt Nam còn có tên gọi là Kim Huyên. Nhập năm 1994, khi mới nhập được trồng ở các tỉnh Lâm Đồng, Hà Tây, Yên Bái, Sơn La. Giống có đặc điểm: Dạng thân bụi, tán hơi đứng, mật độ cành dày, lá hình bầu dục xanh bóng, thế lá ngang, răng cưa to, đều, chóp lá tù, chiều dài lá 7,2cm, rộng 3,1cm. Búp màu xanh nhạt, non phớt tím, khối lượng búp tôm 2 lá bình quân: 0,50 - 0,52 g/búp. Cây sinh trưởng khoẻ, mật độ búp dày, trồng mới có tỷ lệ sống cao. Chất lượng: Chế biến chè xanh có hương thơm đặc trưng. Sử dụng nguyên liệu Kim Tuyên chế biến chè Olong chất lượng tốt.

+ Giống chè TRI777: Thuộc biến chủng chè Shan, cây sinh trưởng khá, búp to có lông tuyết, mật độ búp thấp, góc độ phân cành hẹp, tán tương đối rộng. Đây là giống thích hợp chế biến chè xanh và chè đen chất lượng cao. Dễ giâm cành, cây sinh trưởng khoẻ, khi trồng có tỷ lệ sống cao. Khả năng chống chịu đối với sâu bệnh hại kém: bị bọ xít muỗi và rệp phảy phá hại nặng.