00:00 Số lượt truy cập: 2679208

Hầm Biogas VACVINA cải tiến: Lựa chọn số một của nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Lâu nay, việc phát triển chăn nuôi không theo quy hoạch, không gắn với bảo vệ môi trường đã khiến một số vùng nông thôn bị ô nhiễm nặng nề. Mô hình khí sinh học (hầm biogas VACVINA cải tiến) do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) thuộc Hội Làm vườn Việt Nam thực hiện tại nhiều địa phương đang được coi là giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này.

Theo các chuyên gia, nước thải và chất thải từ khu vực chăn nuôi và sinh hoạt gia đình là các hợp chất hữu cơ có phân tử lớn. Các phân tử này trong điều kiện nóng ẩm sẽ bị phân hoá nhanh, sinh ra năng lượng và các chất hữu cơ có phân tử nhỏ hơn hoặc các chất vô cơ, quá trình này nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí..., gây tác động xấu tới đời sống con người. Nhưng nếu được xử lý, các chất thải này sẽ tạo ra nguồn năng lượng hữu ích.

Việc sử dụng biogas để đun nấu đã trở nên quen thuộc với người dân nông thôn hơn 10 năm nay. Thông qua sự hợp tác với Hà Lan, đã có khoảng 27.000 công trình hầm biogas được xây dựng. Đặc biệt, từ khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) nghiên cứu và thiết kế thành công mô hình biogas VACVINA cải tiến (năm 2000), những hạn chế của dạng hầm biogas kiểu cũ đã cơ bản được khắc phục.

So với hầm biogas dạng nắp vòm của Trung Quốc, của Viện Năng lượng và mô hình biogas sử dụng túi ủ bằng vật liệu Polyethylene /nylon của các nhà khoa học Côlômbia thì mô hình biogas VACVINA cải tiến có nhiều ưu điểm nổi trội. Bể dễ xây dựng do có cấu trúc đơn giản, bà con có thể xây theo hình khối hộp chữ nhật, hình tròn, hình chữ chi... nên phù hợp với trình độ thợ xây ở các vùng nông thôn. Hầm có thể xây dựng trên bất kỳ diện tích mặt bằng nào, thậm chí trên là chuồng trại, dưới là hầm khí sinh học nên tiết kiệm tối đa diện tích.

Bên cạnh đó, bà con có thể kết hợp với việc xây dựng nhà xí gia đình hợp vệ sinh. Trên nắp hầm chỉ cần lắp thêm một bệ xí nên không những tiết kiệm được chi phí xây nhà vệ sinh tự hoại mà còn giải quyết được vấn đề nhà xí chưa đảm bảo vệ sinh ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Điểm được bà con đánh giá cao nhất là hầm biogas VACVINA cải tiến có thể tự động phá váng nhờ hệ thống ống si - phông bằng sành. Lượng bã thải được đưa ra ngoài hầm tự động hàng ngày bằng chính lượng nguyên liệu đưa vào hầm mỗi ngày. Do đó, 8 - 10 năm bà con mới phải tiến hành vệ sinh hầm so với việc phải vệ sinh 1 lần /năm nếu xây dựng hầm biogas dạng vòm.

ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn lưu ý, khi xây dựng hầm biogas cải tiến, bà con không được xả nước mưa, nước xà phòng vào hầm chứa chất thải, không để nước tắm cho lợn và nước tắm người vào hầm chứa, nếu không sẽ làm chết vi khuẩn yếm khí, đồng thời đẩy lượng phân chưa bị phân huỷ ra ngoài.

Với giá vật liệu xây dựng như hiện nay, để xây 1 hầm biogas cải tiến thể tích 7m3, bà con tốn khoảng 3 triệu đồng, bằng 50 - 60% chi phí xây dựng hầm nắp vòm cùng thể tích. Do có khả năng linh hoạt, có thể xử lý lượng chất thải lớn, loại hầm mang tên biogas VACVINA cải tiến đang là lựa chọn số 1 của bà con nông dân. Được biết, từ khi triển khai đến nay, CCRD đã xây dựng được gần 10.000 hầm biogas VACVINA cải tiến do các hộ nông dân đầu tư 100% kinh phí. Hiện, mô hình này đã và đang được Campuchia và Cộng hoà Tanzania áp dụng trên diện rộng.