00:00 Số lượt truy cập: 2661929

Hầm biogas cải tiến của ông Gặp 

Được đăng : 03/11/2016

Loại hầm biogas do ông Trương Gặp tự thiết kế cho ngọn lửa xanh hơn, lại giảm thiểu mùi hôi và sự tái sinh của ấu trùng, hạt cỏ.


Ông Trương Gặp 65 tuổi, là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng năng lượng mới Đà Nẵng. Nhà nghèo, ông chỉ học hết lớp 2, nhưng sau đó đã tự tìm đọc các tài liệu khoa học. Nhờ đó, ông đã nghĩ ra cách cải tiến hầm biogas truyền thống.

Rất nhiều gia đình ở nông thôn dùng hầm biogas nhưng hầu hết đều có nhược điểm là sử dụng khó khăn, nhiều ruồi nhặng, có mùi hôi và mất vệ sinh... Hầm của ông Gặp khắc phục được những nhược điểm này.

Theo thiết kế, hầm biogas của ông gồm 3 phần.

- Bể lắng cát dùng để hạn chế các vật thải không cần thiết và tránh giảm nhiệt độ trong bể phân huỷ. Bể này còn hạn chế lượng chất thải nặng làm đầy bể.

- Bể phân huỷ có hình dạng như mương nước với nhiều vách ngăn đứng và nắp mái vòm.

- Bể áp suất.

Điểm ưu việt hầm biogas của ông Gặp là nguyên lý hoạt động từ giai đoạn hiếu khí đến giai đoạn yếm khí có tỷ lệ khí mêtan lớn, đốt dễ cháy và ngọn lửa xanh hơn. Hầm khí được thiết kế nhiều ngăn làm quá trình phân huỷ diễn ra dài từ 100 đến 130 ngày, nên cho khí nhiều, giảm thiểu mùi hôi và sự tái sinh của ấu trùng, hạt cỏ. Nhiệt độ trong hầm luôn giữ ổn định từ 26 đến 28 độ C nên vào mùa đông lạnh hay lũ lụt, hầm vẫn hoạt động bình thường.

Ông Gặp làm phép tính: Mỗi gia đình chỉ cần chăn nuôi 10 con heo, 3 con bò, thêm một nhà vệ sinh là có hầm biogas khoảng 6 m3, đủ gas để nấu 3 bữa ăn. Ở những trang trại gia súc lớn, hầm biogas sẽ có đủ lượng khí chạy máy phát điện để thắp sáng và tưới tiêu. Chi phí nguyên vật liệu xây dựng mỗi hầm biogas trung bình khoảng 4 triệu đồng.

Theo ông, để hầm biogas đảm bảo chất lượng, cần phải thiết kế phù hợp với đặc điểm của từng cơ sở như nuôi con gì, cho ăn ra sao.

Tháng 6 vừa qua, ông Gặp đã được Bộ Tài nguyên Môi trường trao Giải thưởng Môi trường năm 2007.