Dù chỉ sắp bước vào mùa thả nuôi, nhưng những ngày này về vùng biển Kiên Giang, đâu đâu chúng tôi cũng dường như nghe tiếng thở dài của người nuôi sò, hến biển.
Bởi tuy mang lại nguồn lợi rất lớn, nhưng liên tiếp mấy năm gần đây con vật từng giúp người dân ăn nên làm ra đứng trước nguy cơ bị sâu biển tấn công. Theo dự báo, nạn sâu biển sẽ bùng phát trên diện rộng và gia tăng theo tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
Xanh mặt vì vật nuôi vàng
Theo kỹ sư thủy sản Huỳnh Văn Quýt, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thái (huyện An Biên), một trong những người gắn bó với người nuôi sò, hến biển, sẽ không có gì quá lời khi gọi sò, hến biển là vật nuôi hốt bạc. Đặc biệt những năm gần đây khi phong trào nuôi tôm sú, vịt lấy trứng phát triển thì nghề này được ví như nghề hốt vàng. Bởi chỉ cần đầu tư khoản tiền nho nhỏ mua giống về thả vào vùng biển thuộc quyền sử dụng của mình là chờ ngày hốt bạc. Bởi sò, hến biển sẽ tự ăn phiêu sinh vật mà lớn.
Tuy nhiên vài năm gần đây, lợi nhuận của ngư dân ngày một giảm, thậm chí có người thua lỗ sạch túi, lo nghĩ bạc đầu mà vẫn không truy ra nguyên nhân. Kỹ sư Quýt cho biết: “Rồi một lần tình cờ dịp tình cờ có người trong xã tắm biển chạm vào con vật thân tròn dài như con sâu nhưng mình đầy lông, sợ quá nên mang đi giết thì phát hiện trong bụng nó chứa nhiều sò, hến. Khi đó người nuôi mới biết đó là thủ phạm xóa sổ diện tích nuôi loài nhuyễn thể".
Gần đây nhất là vụ nuôi 2009 - 2010, ông Quýt thuê 100 ha mặt biển ở xã Nam Yên nuôi hến với tổng đầu tư tiền thuê, tiền giống... hết 700 triệu đồng thì... bị sâu nuốt sạch. Sau liên tiếp những năm thua lỗ với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng/năm, nhiều ngư dân ở huyện An Biên từ chỗ quý như vàng chuyển sang sợ xanh mặt với sò, hến biển.
Ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng NNPTNT huyện An Biên, xác nhận: Toàn huyện có trên 5.800 ha diện tích mặt biển có thể thả nuôi sò, hến biến tập trung ở các xã Nam Thái, Nam Thái A, Nam Yên và Tây Yên. Những năm trước đây, do số ngư dân tìm đến xin thuê để nuôi sò, hến biển rất nhiều nên cơ quan chức năng phải xem xét... Tuy nhiên từ sau khi nạn sâu biển bùng phát diện tích mặt biển được dân thuê giảm hàng năm do hiệu quả nuôi thấp.
Theo ông Hoa, những năm 2008 - 2009, có hộ nuôi sò, hến bị sâu biển làm thiệt hại lên cả tỉ đồng. Và mức độ gây hại cũng tăng dần hàng năm. Nếu như năm 2008 chỉ có khoảng 40% trong tổng diện tích thả nuôi 4.500 ha bị thiệt hại thì đến năm 2009 diện tích sò, hến bị thiệt hại lên đến đến 100% tổng diện tích 4.400 ha. “Có nhiều nguyên nhân khiến sò, hến biển bị thiệt hại, như: Nước ngọt từ thượng nguồn đổ về nhiều trong thời gian ngắn kèm theo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... nhưng cơ bản nhất, chủ lực nhất vẫn là sâu biển”, ông Hoa nhấn mạnh: Vì vậy mà dù huyện đề xuất tỉnh hạ giá cho thuê mặt nước biển xuống khoảng 50% (tương đương 150.000 đ/ha/năm) nhưng nhiều ngư vẫn vẫn chưa mặn mà và năm 2011 này dân thuê mặt biển rất ít.
Chống sâu bằng... kinh nghiệm
Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang, cho biết, theo dõi thời gian qua cho thấy, năm nào độ mặn gần bờ tăng cao thì sâu biển (hay còn gọi là giun nhiều tơ) tiến vào bờ càng nhiều. Những tháng mùa mưa, nồng độ mặn được hạ thấp thì sâu biển rút ra vùng nước sâu hoặc một số bị chết nên không còn gây hại.
Theo dự báo, vùng ven biển Kiên Giang ngày càng có nhiều sâu biển tấn công. Ảnh: L.T
Đây là loài sâu sống được ở độ mặn từ 25 phần ngàn trở lên, ăn được sò nhỏ và hến nuôi. Ngành đã khuyến cáo người nuôi khi thả giống cần đo nồng độ muối, nếu thấy cao hơn 25 phần ngàn thì không nên thả. Nếu có thả thì bà con cần cho giống vào lưới bao, nuôi khi nào sò, hến lớn thì mới thả vào vùng nuôi (bầu nuôi). Khi đó, đối với con sò lớn thì sâu biển không ăn được.
Theo bà Phượng, sâu biển được phát hiện vào khoảng năm 2005, khi chúng tấn công đàn hến, sò nuôi của dân vùng biển Kiên Giang. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về nó. Thậm chí ngay cả ngành nông nghiệp cũng chưa có tài liệu khoa học đầy đủ về sinh vật gây hại này. Do vậy đến nay ngành chức năng vẫn chưa thể có giải pháp hữu hiệu để khuyến cáo ngư dân áp dụng, bảo vệ vật nuôi, hạn chế thiệt hại. Vì vậy giải pháp phòng tránh hay nhất hiện nay chính là dựa vào kinh nghiệm với các biện pháp thủ công: Dùng lưới rào, cây chắn...
Theo bà Phượng, nếu tiếp tục duy trì giải pháp mang tính thủ công thế này thì ngư dân sẽ tiếp tục đối mặt với bất lợi. Bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng, thì nồng độ muối sẽ tăng ở vùng ven biển. Khi đó tần suất xuất hiện của sâu biển ở ven bờ sẽ dày đặc và gây hại với mức độ cao hơn. Trong khi đó sò, hến thả nuôi trên biển mênh mông, sẽ rất khó để kiểm soát... Trong khi đó giải pháp sử dụng hóa chất để phòng trừ sâu biển càng không thể áp dụng vì lo ngại môi trường.
Đã có không ít ngư dân lâm cảnh khó khăn vì nạn sâu biển, nhưng mãi đến nay họ chỉ biết ngồi chờ. Bởi các giải pháp hãy còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu... Hàng ngàn ngư dân nuôi sò, hến biển ở Kiên Giang đã chờ và phải chờ đến bao giờ?