00:00 Số lượt truy cập: 3230618

Hiệu quả bước đầu từ mô hình chăn nuôi bò theo hướng trang trại ở Ngọc Phụng (Thanh Hoá) 

Được đăng : 03/11/2016
Trong những năm qua, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hoá), đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt, bò lai chất lượng cao tại thôn Xuân Liên. Bước đầu cho thấy mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, thu nhập cho người nông dân bước đầu được nâng lên, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.


Về thôn Xuân Liên, xã Ngọc Phụng (huyện Thường Xuân), hỏi chuyện về anh Nguyễn Văn Vũ, ai cũng biết. Anh Vũ thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2003, sau khi nuôi thử nghiệm có kết quả, năm 2004, anh mạnh dạn vay ngân hàng 40 triệu đồng để xây chuồng và đầu tư nuôi 2 con bò đực lai. Với quy trình nuôi bò khép kín từ việc sử dụng nguồn thức ăn của 5 sào đất cỏ, cộng với rơm, lá mía, sắn... đến sử dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình anh thu về khoảng 30 triệu đồng. Anh Vũ tâm sự: Nuôi bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được nhiều nguồn thức ăn, không tốn công chăn thả; nguy cơ về dịch bệnh cũng được hạn chế đến mức thấp nhất.

Thấy anh Vũ làm được, nhiều người trong xã cũng mạnh dạn làm theo. Đến năm 2005, để khai thác thế mạnh của vườn, rừng địa phương, tạo điều kiện cho các hộ nông dân có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, UBND xã Ngọc Phụng đã quy hoạch hơn 10 ha đất đồi thành khu chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo theo hướng trang trại tập trung. Sau khi xã quy hoạch đã có 10 hộ đăng ký tham gia, mỗi hộ có quy mô 30 con bò được xã cho mượn 2 mẫu đất xây dựng chuồng trại và trồng cỏ voi.

Ông Nguyễn Thế Định, phụ trách thú y, xã Ngọc Phụng cho biết: khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã được xây dựng hoàn thành từ cuối năm 2005 gồm hệ thống đường giao thông, lưới điện, mặt bằng với diện tích hơn 10 ha. Thời gian qua, đã có 10 hộ được UBND xã giao đất để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Năm 2007, để khuyến khích các hộ trong khu chăn nuôi tập trung, tỉnh đã hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò đực giống lai sind trị giá 12 triệu đồng. Hiện nay, đàn bò của khu chăn nuôi tập trung đã phát triển ổn định gần 400 con, trong đó 30 con bò bố mẹ. Từ khi được chính quyền địa phương giao đất ở khu chăn nuôi tập trung, bà con trong xã đã yên tâm trong việc đầu tư chăn nuôi bò, diện tích đất trồng cỏ được mở rộng, bảo đảm đủ lượng thức ăn cho đàn bò phát triển.

Anh Lương Văn Tiến, một hộ chăn nuôi bò cho biết: “Đàn bò gia đình hiện có 32 con, trong đó có 4 con bò bố mẹ. Trước đây, khi còn ở chỗ cũ, bò nuôi xen lẫn trong khu dân cư, diện tích chuồng chật hẹp, lúc cao điểm nhất gia đình tôi cũng chỉ có thể nuôi 5 con. Được chính quyền địa phương giao đất ở khu chăn nuôi tập trung, chúng tôi rất phấn khởi vì có điều kiện trồng cỏ, phát triển chăn nuôi tốt hơn nơi cũ. Mỗi hộ di dời đến khu chăn nuôi tập trung, UBND xã giao 2 mẫu đất để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, xử lý vệ sinh môi trường. Hơn nữa ở khu mới, hệ thống giao thông, điện, nước được đầu tư bài bản nên bà con yên tâm phát triển chăn nuôi. Thời gian gần đây, giá bò tăng, người chăn nuôi bò sữa hầu hết đều có lãi. Như gia đình tôi mỗi năm xuất chuồng khoảng 60 con bê con, trừ chi phí thu lãi trên 40 triệu đồng”.

Để hỗ trợ và giúp nhau trong phát triển đàn bò ngày một tốt hơn, năm 2009, các hộ chăn nuôi đã liên kết thành lập hợp tác xã dịch vụ - chăn nuôi liên minh. Hợp tác xã thành lập đã phát huy khá tốt các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của xã viên như: thu con giống được kiểm định chất lượng tốt tại chỗ, cung cấp thức ăn, dịch vụ thú y... Nhờ vậy, nhiều hộ phát triển chăn nuôi bò có hiệu quả và đang tính chuyện mở rộng quy mô đàn bò lên gấp đôi. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trong năm qua đã từng bước ổn định, hàng năm hợp tác xã cung cấp cho địa bàn các xã lân cận khoảng 200 con bê lai giống, tăng thêm thu nhập cho hợp tác xã và xã viên.

Thông qua thực hiện mô hình hợp tác xã, góp phần cung cấp cho bà con địa phương những kiến thức cần thiết để chăn nuôi có hiệu quả, khai thác tốt thế mạnh sẵn có ở địa phương về nguồn thức ăn dồi dào từ vườn rừng để phát triển chăn nuôi gia súc, mở ra hướng đi mới về phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập cho nông dân. Hiệu quả bước đầu từ mô hình chăn nuôi bò theo hướng trang trại được thực hiện thí điểm ở xã Ngọc Phụng chính là lời giải bước đầu cho bài toán trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương về đầu tư phát triển kinh tế theo hướng trang trại. Từ cách chăn nuôi này sẽ giúp người nông dân tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, số lượng nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài huyện.