UBND huyện Mỹ Đức đã chọn 3 xã An Mỹ, Đốc Tín, Đại Hưng làm điểm về công tác DĐĐT. Sau khi rút kinh nghiệm từ 3 xã làm điểm, UBND huyện Mỹ Đức thành lập BCĐ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và DĐĐT để nhân ra diện rộng, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn thực hiện. Các xã, thị trấn thành lập BCĐ, xây dựng các đề án và tổ chức cho cán bộ, nhân dân tham quan, học tập mô hình điểm Ngọc Động, xã Phương Tú (Ứng Hòa).
Huyện Mỹ Đức đã lập qui hoạch tổng thể diện tích chuyển đổi trên địa bàn toàn huyện và công khai treo tại trụ sở HTX NN của 22 xã, thị trấn để người dân được biết. Đến nay, 22 xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức đã thực hiện dồn điền, đổi thửa; 22.141 hộ làm nông nghiệp (chiếm 71,5%) đã thực hiện dồn điền được 4.931,81ha. Nếu như trước năm 2003, trung bình mỗi hộ dân làm nông nghiệp ở Mỹ Đức có từ 10 - 15 ô ruộng thì nay có 3.877 hộ chỉ có 1 ô, 18.264 hộ còn từ 2 - 3 ô; toàn huyện đã giảm bớt được 47.000 ô.
Nhiều xã thực hiện DĐĐT tốt như Đốc Tín, An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Đại Nghĩa, Xuy Xá, Tuy Lai, An Tiến, Hợp Tiến... Trên cơ sở ruộng đất đã được tích tụ liền khoảnh không còn manh mún, người dân đã có điều kiện thuận lợi để đầu tư tập trung, thực hiện xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.
Tính đến tháng 8 - 2007, huyện Mỹ Đức đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên diện tích 1.623ha, gồm 1.508,5ha nuôi trồng thủy sản, 74,9ha chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, 17,9ha chăn nuôi tập trung. Đa số diện tích chuyển đổi đều thuộc chân ruộng trũng, cấy một vụ bếp bênh, cho thu nhập chỉ từ 20 - 25 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn hàng trăm triệu đồng vào các mô hình chuyển đổi để xây dựng cơ sở vật chất, chuồng trại và mua các giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Trung bình mỗi hộ dân bỏ vốn tự có đầu tư 35 triệu đồng cho 1ha chuyển đổi. Các mô hình chuyển đổi ở Mỹ Đức đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa từ 2 đến 4 lần. Hệ số sử dụng đất tại các mô hình chuyển đổi tăng từ 2,2 lần năm 2003 lên 2,9 lần năm 2006.
Hiệu quả từ chuyển đổi đã giúp nhiều hộ gia đình trở nên khá giả. Tại xã Đốc Tín, gia đình ông Nguyễn Tiến Hà đã chuyển đổi 10ha sang nuôi thuỷ sản kết hợp thả sen mỗi năm đem lại lợi nhuận 200 triệu đồng; hộ ông Vũ Văn Quang, Dư Văn Lâm ở xã Phúc Lâm chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang làm trang trại chăn nuôi gà đẻ mỗi năm thu lãi 200 - 300 triệu đồng.
Để khuyến khích các hộ dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, UBND tỉnh đã hỗ trợ 9 xã của huyện Mỹ Đức 4,7 tỷ đồng; UBND huyện Mỹ Đức trích ngân sách hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha cho các diện tích đã được huyện phê duyệt và nghiệm thu. Bằng nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện, cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, lưới điện và công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng tại các dự án chuyển đổi tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân sản xuất.
Nhờ đẩy mạnh DĐĐT và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đã thúc đẩy nông nghiệp của huyện Mỹ Đức phát triển mạnh. Mục tiêu đề ra đến năm 2010, giá trị sản xuất đem lại từ nông nghiệp ở Mỹ Đức đạt 480 - 495 tỷ đồng, chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế chung của toàn huyện. Để làm được điều này Mỹ Đức tiếp tục thực hiện DĐĐT ở những địa phương triển khai chậm và khuyến khích các hộ dân xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn lên 2.000ha.