00:00 Số lượt truy cập: 3230374

Hiệu quả kinh tế cao từ cây dẻ ở Lạng Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Không chỉ ở Trùng Khánh (Cao Bằng) có loại đặc sản quý giá là hạt dẻ, nay ở Lạng Sơn cũng có loại dẻ ngon như dẻ Trùng Khánh, sai quả hơn và thậm chí còn cho ra quả trái vụ. Thưởng thức loại dẻ ngon đã chẳng còn là mơ ước, từ cây dẻ người nông dân ở Lạng Sơn đã bắt đầu làm giàu.

Gia đình bà Chu Thuý Sung, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn phát triển kinh tế vườn đồi cũng ngót chục năm nay. Thế nhưng những loại cây gia đình bà trồng đem lại hiệu quả kinh tế chẳng đáng bao nhiêu. Đang loay hoay với việc “trồng cây gì” thì đầu năm 2000, được sự hỗ trợ của Công ty giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dẻ. Ban đầu chỉ là vài chục cây để thay thế dần vườn tạp. Sau thấy hiệu quả, gia đình đầu tư trồng hẳn 3ha. Bà Sung cho biết: Dẻ dễ trồng, dễ chăm sóc, lứa đầu gia đình tôi trồng 2 năm đã bói quả, đến năm thứ 3 năng suất ổn định 11-12kg/cây/năm, cá biệt có những cây cho đến 20 kg hạt/năm, thấy có hiệu quả tôi quyết định đầu tư trồng tiếp. Giống dẻ mà bà Sung trồng có độ đồng đều cao, thơm ngon như dẻ Trùng Khánh, lại được thu hoạch sớm hơn thời vụ chung, vì thế nên dù giá cao hơn dẻ ngoài thị trường, tư thương vẫn đến gia đình bà thu mua với giá trung bình 40.000 đồng/kg. Thử tính nhẩm, chỉ cần năng suất của một cây dẻ ở mức thấp nhất là 10kg hạt/năm; 1 ha trồng được 300 cây, với mức giá hiện nay thì gia đình bà Sung thu trên 100 triệu đồng/ha/năm từ trồng dẻ. Lấy con số đó nhân với 3 ha, thì thu nhập là trong mơ đối với bà con nông dân, trong khi đó theo bà Sung thì chi phí cho quản lý, chăm sóc cho 1 ha chưa đầy 10 triệu đồng/năm. Con đường làm giàu từ kinh tế vườn đồi đã và đang rộng mở với gia đinh bà Sung.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hạt dẻ là loại hạt khô quan trong của thế giới, tổng sản lượng hàng năm của toàn thế giới khoảng 900.000 tấn, đây là loại hạt thơm ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể dùng để chế biến nhiều loại thực phẩm vì thế có rất nhiều quốc gia trên thế giới nhập khẩu hạt dẻ. Thực tế công tác nghiên cứu về cây dẻ đã được tiến hành cách đây khá lâu, tuy nhiên vì dẻ là loại cây lâm nghiệp đặc sản có phân bố hẹp tại một số địa phương của tỉnh Cao Bằng và do hạn chế về công nghệ, nên nhiều địa phương trong cả nước đã di thực và trồng thử, nhưng kết quả không cao. Trong khi đó, được sự chỉ đạo của ngành, Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc tiến hành nhập nội và trồng thử nghiệm giống dẻ Cửu gia chủng, dẻ Hai vụ và dẻ Nông đại số 1. Tiếp đó, Công ty đã địa phương hoá cây dẻ thông qua việc ghép dẻ Trùng Khánh với dẻ Cửu gia chủng. Sau một thời gian thử nghiệm, loại dẻ ghép này đã thể hiện được tính ưu việt của mình, thơm ngon như dẻ Trùng Khánh, năng suất cao hơn và đặc biệt được thu hoạch sớm trước thời vụ 1 tháng, đây là yếu tố rất quan trọng để tạo giá trị kinh tế cao trên thị trường. Ngoài gia đình bà Sung, Công ty giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đã hỗ trợ một số hộ dân ở các địa phương như Cao Lộc, Văn Quan, Văn Lãng trồng thử nghiệm và kết quả đều rất khả quan, hiệu quả kinh tế cao. Ông Hoàng Lê Minh tâm sự: Với một địa phương miền núi có thế mạnh về đất lâm nghiệp như Lạng Sơn thì dẻ là một trong những loại cây cần được phát triển để nâng cao thu nhập cho người nông dân, tất nhiên không thể phát triển ồ ạt mà cần có sự định hướng, quy hoạch của các cơ quan chuyên môn và địa phương. Nhiều ý kiến của các chuyên gia về lâm nghiệp đều khẳng định: Dẻ là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đồng thời lại thích hợp với Lạng Sơn, vì vậy nếu có quy hoạch, định hướng gắn liền việc phát triển cây dẻ với công nghệ bảo quản, chế biến…thì có thể mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho nông dân và lẽ đương nhiên là có thu nhập từ kinh tế vườn rừng thì sẽ chẳng còn ai nghĩ đến chuyện phá rừng.