00:00 Số lượt truy cập: 3229310

Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cây dược liệu 

Được đăng : 03/11/2016

Trong những năm gần đây, nhu cầu thị trường tiêu thụ cây dược liệu tăng mạnh, do vậy việc tìm kiếm, khai thác cây dược liệu của người dân, cùng với quá trình canh tác đồi rừng, chặt phá rừng làm cho nguồn dược liệu trong tự nhiên ngày một cạn kiệt, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng, không đáp ứng được nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp dược và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, cung cấp cho thị trường.


Hiện nay, tại một số tỉnh: Bắc Giang, Nghệ An, Phú Yên, Hà Tĩnh… cây dược liệu được trồng tập trung cho năng suất, thu nhập tương đối cao. Một số tỉnh ngoài việc trồng cây dược liệu dưới tán vườn, tán đồi thì cây dược liệu được đưa ra trồng thâm canh trên diện tích đất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt từ 90 -130 triệu đồng/ha/ năm.
Khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa có vùng sản xuất cây dược liệu tập trung mà chủ yếu là trồng tự phát ở các bờ rào ranh giới đất thổ cư, vườn tạp và mọc hoang ven đồi, rừng. Ở một số xã, xuất phát từ nhu cầu của thị trường tiêu thụ cây dược liệu, người dân đã trồng cây dược liệu thành từng vùng tập trung cho năng suất và hiệu quả cao. Nhưng cho đến nay chưa được quan tâm, đầu tư, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Mặt khác, Vĩnh Phúc có nguồn dược liệu tự nhiên từ rừng rất phong phú nhưng việc khai thác, bảo tồn, chăm sóc còn hạn chế nên đã phá huỷ môi trường sinh thái, làm cạn kiệt một số loài dược liệu quý hiếm. Hiện nay, sản lượng cây dược liệu trồng và khai thác tự nhiên chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, năm 2011 Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã khảo sát và thực hiện xây dựng mô hình điểm trồng cây dược liệu như: Ba kích, lá lốt, kim tiền thảo, cỏ xước… tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo nguồn vốn thuộc sự nghiệp khoa học do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận - Trung ương Hội Nông dân là cơ quan chủ trì.Qua theo dõi cho thấy, cây dược liệu phát triển tốt, không sâu bệnh, cây khoẻ, chịu hạn tốt, đảm bảo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo nghiên cứu của Viện dược liệu Trung ương, cây dược liệu trồng tại Tam Đảo phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết và có hàm lượng vật chất khô tương đối cao, chất lượng dược liệu tốt. Vì vậy, trồng cây dược liệu là phù hợp, vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất vườn đồi, vừa cung cấp nguyên liệu dược liệu, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, phát triển thảm thực vật, chống xói mòn ở những vùng có vườn đồi dốc, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, miền núi.
Đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình cho thấy, sau một năm trồng, cây đã cho thu hoạch đạt năng suất, chất lượng tương đối cao. Các hộ dân trồng cây dược liệu đều được Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc ký hợp đồng thu mua toàn bộ. Với cây lá lốt, trong điều kiện vườn có độ râm mát cao, ẩm độ tốt, sau 4 tháng trồng cây phát triển tốt, đẻ nhánh nhiều, chiều cao cây từ 40 - 50 cm, ngăn chặn cỏ dại trong vườn, đất không bị rửa trôi, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được đạt 72,5 triệu/ha/năm với 5 lượt thu hoạch. Với cây lạc tiên, phù hợp trồng tại những nơi có độ ẩm cao, dễ thoát nước và có độ che phủ dày, cho lợi nhuận sấp xỉ 55,5 triệu/ha/năm. Với cây kim tiền thảo, thích hợp trồng dưới tán vườn có độ che phủ vừa phải nhằm tăng cường quá trình quang hợp cho lợi nhuận khoảng 50 triệu/ha/năm. Với hiệu quả kinh tế đã thu được, trong thời gian tới, Hội nông dân tỉnh tiếp tục tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân tại vùng đệm rừng Quốc gia Tam Đảo nhằm nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật trong việc trồng và khai thác các sản phẩm vườn đồi.
Phát triển trồng cây dược liệu dưới tán vườn, tán đồi không chỉ góp phần tích cực vào chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi. Đồng thời, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã thuộc vùng đệm núi Tam Đảo.