Hiệu quả nuôi trồng thủy sản ở Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh)
Được đăng : 03/11/2016
Đã qua cái thời người dân Tam Đa (Yên Phong) quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn. Tam Đa ngày nay luôn xanh mát bởi những vườn cây, ao cá, chuồng trại. Người dân Tam Đa đã từng bước thoát nghèo nhờ mô hình trang trại mới.
Là một xã chiêm trũng nằm ven sông Cầu, nên sản xuất nông nghiệp ở Tam Đa gặp nhiều khó khăn. Nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, Tam Đa đã chú trọng dồn điền, đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại, hướng dẫn người dân quy hoạch, xây dựng kinh tế trang trại, thí điểm các giống cây trồng, vật nuôi mới, đặc biệt tập trung vào nuôi trồng thủy sản.
Năm 2001, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết 17 của Huyện ủy Yên Phong về chuyển dịch ruộng trũng sang chăn nuôi thả cá kết hợp, Đảng ủy, UBND xã đã có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản nhằm triển khai sâu rộng đến từng thôn.
Khuyến khích nhân dân tích cực dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất.
Sau một thời gian hoàn tất mọi thủ tục, xã đã triển khai thí điểm 25 ha tập trung ở thôn ở thôn Thọ Đức, được đông đảo bà con đồng tình hưởng ứng. Các hộ nhận thầu đầu tư ngay vào xây dựng, phát triển sản xuất theo mô hình lúa-cá, trang trại tổng hợp, từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng đất chiêm trũng, đem lại hiệu quả đáng khích lệ.
Thấy rõ hiệu quả của dự án, những năm kế tiếp địa phương tiếp tục mở rộng quy mô chuyển đổi đến cả 4 thôn : Thọ Đức, Đại Lâm, Phấn Động, Đức Lý, nâng tổng số diện tích mặt nước nuôi thả cá đến thời điểm này là 74 ha, thu hút hơn 150 hộ tham gia sản xuất, đưa Tam Đa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu phong trào chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản của huyện.
Với các mô hình như: VAC (vườn, ao, chuồng), AC (ao, chuồng), VA (vườn, ao), (trong đó, có hơn 100 hộ sản xuất theo mô hình VAC và AC chiếm hơn 70%), nhiều hộ dân đã thiết kế khoa học, bố trí chuồng nuôi, ao cá hợp lý, tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, giá trị thu nhập bình quân cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Mỗi năm thu nhập bình quân đạt 30-40 triệu đồng/mẫu/hộ. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ nuôi trồng thủy sản, tiêu biểu là gia đình ông: Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Cân, Nguyễn Bá Thúc (Thọ Đức); Nguyễn Văn Quang, Ngô Văn Họp, Lê Văn Khuyến (Đại Lâm), Nguyễn Văn Thống, Nguyễn Văn Tiến (Phấn Động)…
Theo ông Nguyễn Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa thì để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, hàng năm xã đều phối hợp với ngành liên quan đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở các buổi hội thảo đầu bờ để các chủ trang trại học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ kiến thức thực tế, áp dụng vào mô hình sản xuất; xây dựng hệ thống đường điện, cống thoát nước tới từng khu chuyển đổi. Thời gian tới, địa phương tiếp tục khảo sát, thu hẹp những diện tích trồng lúa và màu hiệu quả thấp còn lại để tăng diện tích thả cá, chăn nuôi kết hợp.
Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản đã mở ra hướng đi mới cho người dân Tam Đa. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, Tam Đa cũng như các địa phương khác trong tỉnh rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành trong việc hỗ trợ người dân về vốn, con giống, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật hơn nữa.