00:00 Số lượt truy cập: 3231050

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp tại Hà Nam 

Được đăng : 03/11/2016
Với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp mà tới nay đời sống cũng như thu nhập của người nông dân Hà Nam đã có những chuyển biến đáng kể, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.  

Nâng cao thu nhập cho người nông dân

 

Phát huy thế mạnh là một tỉnh nông nghiệp thuộc Đồng bằng châu thổ sông Hồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, trong những năm qua, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều thành tựu đáng kể. Có thể kể đến như mô hình cung ứng thức ăn chăn nuôi giữa doanh nghiệp, ngân hàng và hộ chăn nuôi. Nhờ đó mà người nông dân được mua thức ăn chăn nuôi với giá ưu đãi hơn và có thêm cơ hội tiếp cận với vốn vay ngân hàng để duy trì sản xuất.

 

 

 Mô hình nuôi bò sữa tại huyện Duy Tiên. (Ảnh: VT)

Năm 2013, các hộ dân đã được vay vốn với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng,477 hộ được cung ứng lượng thức ăn chăn nuôi trên 5 tấn. Qua đó hình thành nên 43 nhóm chăn nuôi tại 16 xã. Mô hình liên kết 3 nhà trong chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi và tín dụng cũng giúp giảm giá bán tại các đại lý xuống từ 5-7%, tạo điều kiện quan trọng giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và ổn định cuộc sống.

 

Bên cạnh đó, mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học cũng phát huy hiệu quả đáng kể tại các xã Vũ Bản, Bồ Đề, Liêm Chung… góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xảy ra. Mô hình sản xuất nấm ăn cũng đem lại tổng giá trị sản xuất khoảng 21 tỷ đồng. Trong đó, mô hình nấm rơm cho thu nhập bình quân mỗi hộ 8.645.000 đồng/1,5 tháng; nấm mỡ bình quân mỗi hộ thu 13.500.000 đồng/3 tháng; nấm sò bình quân mỗi hộ thu 37.860.000 đồng/4 tháng. Dự kiến, năm 2014, tỉnh Hà Nam sẽ hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng cho các hộ dân trồng nấm.

 

Để có thể đạt được những thành công trên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, ngoài sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành và doanh nghiệp thì không thể không thể kể tới sự tham gia của các hộ nông dân vào các mô hình. Với việc các mô hình được thực hiện liên kết giữa các bên cung ứng và bao tiêu sản phẩm đầu ra theo hợp đồng, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện tham gia, tập huấn kỹ thuật, phối hợp với địa phương để thực hiện các mô hình đúng tiến độ.

 

Sử dụng và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực

 

Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đến nay tỉnh đã hỗ trợ cho các xã triển khai mua 26 máy gặt đập; 34 máy làm đất để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện triển khai dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, chỉnh trang quy hoạch lại đồng ruộng, đến cuối năm 2013 đã dồn đổi thực địa 14.215 ha.

 

Bên cạnh đó đã có trên 8.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, số lao động nông thôn có việc làm ngày càng tăng cao. Toàn tỉnh đã xây dựng được gần 2.120 mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, 234 mô hình trồng nấm, 10.000 ha lúa gieo thẳng và hàng trăm mô hình khuyến nông khác.

 

Từ những kết quả của việc triển khai các đề án phát triển sản xuất của tỉnh và các địa phương đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả tỉnh xuống còn 6,48% trong năm 2013. Các địa phương cũng đã tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các hình thức sản xuất… Do đó, đến nay số lao động nông thôn có việc làm thường xuyên luôn đạt trên 90%.

 

Để tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 là tiếp tục tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất của các hộ gia đình; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu và nhân rộng các đề án chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, sản xuất nấm ăn, đề án phát triển cây trồng hàng hóa vụ đông và mô hình liên kết 3 nhà nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân./.