Với 80% diện tích là đồi núi, 2 huyện Chiêm Hóa và Nà Hang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc phát triển đàn dê là phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ của người dân nơi đây.
Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp các hộ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi giống dê mới, nhất là chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị triển khai dự án, dù đồng bào đã áp dụng mô hình nuôi dê từ rất lâu, nhưng mới chỉ dừng lại ở phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự do nên chưa tận dụng được tiềm năng. Bà con chủ yếu nuôi giống dê cỏ mắn đẻ, thời gian mang thai ngắn, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Để khắc phục tình trạng này, dự án đã hỗ trợ 2 huyện Nà Hang và Chiêm Hoá 9 con dê đực (gồm 5 con dê Bách Thảo và 4 con dê Beetal), 90 con dê cái, gồm 40 dê cái cỏ và 50 dê cái lai. Trong quá trình chăm sóc, bà con được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chăm sóc theo phương thức khoa học, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh để đàn dê phát triển khoẻ mạnh. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông cũng chuyển giao quy trình công nghệ về xây dựng chuồng trại, trồng cỏ cho các hộ dân tham gia mô hình. Đến nay, đa số chuồng trại đều được xây dựng cao ráo, thoáng mát, đúng quy trình kỹ thuật, bà con đã trồng được trên 2ha cỏ để chủ động thức ăn cho dê.
Tại xã Hàng Lang (Chiêm Hóa), hộ ông Quan Văn Thành ở thôn Tho nhận nuôi 33 con dê bố mẹ; hộ ông Quan Văn Tiến ở thôn Nà Rùng nuôi 11 con dê bố mẹ; hộ ông Quan Văn Khánh ở thôn Nặm Bún được hỗ trợ 10 con dê cái cỏ và 1 dê đực giống...
Đến thời điểm này, đàn dê lai của hộ ông Khánh đã đẻ được 22 con dê lai. Ông Khánh phấn khởi cho biết: "So với lợn, gà thì nuôi dê dễ hơn vì chúng ăn tạp, thức ăn thường có sẵn trên đồi rừng".
Từ 20 con dê cái lai và 20 con dê đực Beetal ban đầu, đến nay, gia đình anh Phúc Văn Chính ở thôn Nà Noong, xã Năng Khả (Nà Hang) đã có 67 dê con. Anh Chính cho biết: "Từ ngày tham gia dự án, tôi và các hộ trong thôn được cán bộ khuyến nông đến tận nhà hướng dẫn cách chăn nuôi nên chúng tôi đã biết làm chuồng nuôi nhốt đúng kỹ thuật, tận dụng diện tích đất trống, đồi trọc để trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn dê...".
Trong quá trình nuôi, các gia đình được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng chuồng trại, 40% chi phí mua thức ăn và thuốc phòng dịch bệnh, 60% tiền mua giống cỏ, 40% tiền phân bón chăm sóc cỏ.
Hiện nay, số dê của dự án đã tăng lên 200 con. Thành công này là tiền đề để Tuyên Quang có thể nhân rộng mô hình nuôi dê lai.