Hiệu quả từ mô hình phát triển lúa - tôm tại Lấp Vò (Đồng Tháp)
Được đăng : 03/11/2016
Lấp Vò là một trong những huyện đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình luân canh lúa-tôm, đến nay diện tích nuôi tôm trong huyện gần 200 ha, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, bên cạnh đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại những vùng nuôi tôm tập trung.
Mô hình lúa-tôm đã khẳng định được quả kinh kế khá cao. Tuy nhiên nếu nhìn lại những năm đầu triển khai mô hình thì công việc vận động nông dân tham gia gặp rất nhiều khó khăn vì sáu năm trước nông dân trong huyện chỉ độc canh cây lúa là chính, tôm càng xanh nhân tạo còn rất xa lạ, bên cạnh đó do chưa nắm được quy trình nuôi tôm và thiếu vốn đầu tư nên không mạnh dạn đăng ký nuôi tôm, mặc dù thời điểm đó huyện Lấp Vò được tỉnh hỗ trợ thực hiện cánh đồng lúa - tôm của tỉnh. Tuy vậy, với sự quyết tâm chuyển dịch cơ cấu cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều điểm họp dân ở xã Mỹ An Hưng B để vận động nông dân đăng ký nuôi tôm, bên cạnh đó huyện cũng tổ chức cho nông dân trong vùng tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi tôm ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ nên cuối cùng có 17 hộ đăng ký nuôi tôm với diện tích 18,6 ha. Đây là bước ngoặc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi từ phương thức nuôi tôm càng xanh quảng canh sang nuôi tôm bán thâm canh bằng con giống nhân tạo trong huyện.
Sau vụ nuôi tôm đầu tiên, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho vùng nuôi tôm với các hình thức: hỗ trợ 30% chi phí về san ủi ô bao cho các hộ mới nuôi vụ đầu tiên, tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế đồng ruộng và tập trung đầu tư thi công cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi ( kênh cấp thoát nước, kéo lưới điện, đầu tư trạm bơm điện) nên đã tạo tâm lý phấn khởi đối với nông dân, từ đó giúp họ an tâm trong đầu tư nuôi tôm. Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của huyện nên nông dân được nhiều thuận lợi, năng suất tôm nuôi đạt được khá cao và hiệu quả rất khả quan. Chính vì vậy diện tích nuôi tôm càng xanh trong huyện tăng liên tục theo từng năm, từ diện tích vụ nuôi đầu tiên chỉ 18,6 ha với 17 hộ (vào năm 2004) đã tăng lên đến 195 ha với 206 hộ nuôi (vào năm 2009), sản lượng ước đạt khoảng 300 tấn, bên cạnh đó mô hình đã nhân rộng ở 9 xã trong huyện.
Qua 6 năm phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong huyện, hiện nay đa số nông dân đã nắm được quy trình nuôi, hầu hết thả tôm với mật độ vừa phải, thu tỉa tôm trứng kịp thời để lấy ngắn nuôi dài và đầu tư cho tôm thương phẩm. Nhiều hộ nuôi tôm đã mạnh dạn liên hệ với các công ty sản xuất thức ăn để làm dịch vụ cung cấp thức ăn cho tôm trong vùng nuôi, thậm chí có hộ nuôi đầu tư sản xuất giống để phục vụ cho nhu cầu nuôi tôm của gia đình. Bên cạnh việc tăng nhanh về diện tích nuôi tôm thì dịch vụ cung cấp tôm giống trong huyện cũng phát triển khá mạnh, hiện nay toàn huyện có 12 cơ sở sản xuất tôm giống nên đáp ứng được cơ bản về nhu cầu tôm post trong huyện.
Hiện nay nếu đi vào khu vực ấp An Quới xã Mỹ An Hưng B sẽ thấy cánh đồng cánh nuôi tôm rộng lớn, với rất nhiều ô bao riêng của từng hộ nối liền nhau, đời sống của các hộ nuôi tôm được cải thiện, nhà cửa được xây mới, phương tiện đi lại cũng được trang bị tốt hơn, phần lớn những sự thay đổi trên đều có dấu ấn của mô hình lúa - tôm. Vì vậy có thể khẳng định mô hình lúa - tôm đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn ở những vùng nuôi tôm tập trung.