00:00 Số lượt truy cập: 3232537

Hiệu quả từ tổ chăn nuôi lợn giống ở xã Ngọc Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Khi chúng tôi đến thì đúng ngày UBND xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cấp giống lợn nái cho các hộ nghèo. Cũng như nhiều hộ gia đình nghèo khác ở xã vùng cao Ngọc Sơn, anh Bùi Văn Hiệp ở xóm Bói nhận một con lợn nái để nuôi. Anh cho biết: Tổ chăn nuôi của tôi có 3 nhà, tôi là tổ trưởng nên được nhận nuôi. Nhiều năm nay, gia đình tôi thường xuyên nuôi lợn nên nhiều kinh nghiệm hơn các hộ khác.

Cũng như anh Hiệp anh Bùi Văn Vinh ở xóm Bói cũng được nhận một con lợn nái. Anh cho biết: Trước kia muốn nuôi lợn thì phải mua giống. Mỗi con lợn giống giá vài trăm nghìn. Đối với các hộ nghèo như gia đình tôi thì bỏ ra khoản tiền đó mua giống là rất khó khăn. Giờ đây, có tổ chăn nuôi, được Nhà nước hỗ trợ giống lợn nái thì gia đình cũng đỡ đi được một khoản lớn. Mình là tổ trưởng nhận chăm sóc trước, sau này lợn đẻ thì mình sẽ hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình khác con giống. Tuy giá không bằng ở thị trường, nhưng con lợn nái là của nhà mình. Nó như cái cần câu để mình phát triển kinh tế gia đình.

 

Ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Đây là lần thứ hai xã hỗ trợ cho các hộ nghèo giống lợn nái. Lần này hỗ trợ trên 3,6 tấn lợn giống cho 191 hộ nghèo trong xã. Từ khi chương trình 135 cho xã làm chủ đầu tư, chúng tôi đã chủ động được nguồn vốn đầu tư vào những công trình mà bà con cần. Hàng năm, ngoài nguồn vốn làm các công trình xây dựng cơ bản, xã có riêng nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ nghèo sản xuất. Đặc điểm ở địa phương ngoài trồng trọt, hầu hết là bà con thường chăn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập. Do vậy, hầu hết các hộ đều có kinh nghiệm chăn nuôi. Tuy nhiên, có một thực tế là bà con nghèo không có tiền mua giống lợn mà ít nuôi lợn nái đẻ. Sau khi bán lợn, không chủ động được nguồn giống nên không phát triển được.

 

Trước tình hình như vậy các cấp uỷ, chính quyền xã họp bàn vàquyết định hỗ trợ giống lợn nái cho bà con. Do nguồn vốn hạn chế nên không thể hỗ trợ mỗi gia đình nghèo một con lợn giống. Để các hộ giúp nhau phát triển chăn nuôi, xã đã quyết định thành lập các tổ chăn nuôi ở xóm. Tuỳ theo đặc điểm, địa hình dân cư các xóm để chia thành các tổ. Tổ ít nhất là 2 hộ gia đình, tổ nhiều nhất là 8 hộ. Mỗi tổ chăn nuôi nhận nuôi 1-2 một con lợn. Các thành viên trong tổ có thể giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật, vốn và công chăm sóc lợn. Ông Bùi Văn Phanh , Trưởng xóm Bói cho biết: Các tổ chăn nuôi này hoạt động rất hiệu quả. Từ ngày có tổ chăn nuôi, kinh nghiệm của các hộ về nuôi lợn được nâng lên. Nhiều hộ không còn chăn nuôi lợn thả rông nữa. Họ làm chuồng trại cẩn thận. Vào mùa rét thì họ che chắn kín chuồng tránh rét cho lợn.