Thay đổi thói quen chăn thả
Đầu quý III năm 2010, Hội Nông dân tỉnh đầu tư 300 triệu đồng triển khai Dự án hỗ trợ nông dân vùng cao chăn nuôi bò an toàn tại xã Trà Kót và Trà Nú. Bước đầu, mỗi xã có 50 hộ dân được xét chọn tham gia dự án. Ngoài việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phát triển đàn bò an toàn và bền vững, những hộ tham gia dự án được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 4 bao xi măng, 8 m2 tôn lợp để làm chuồng trại, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 120 kg bột thức ăn cho bò trong hai tháng trọng điểm mùa mưa lũ. Cán bộ hội nông dân xã và thú y địa phương thường xuyên kiểm tra chuồng trại, hướng dẫn bà con cho bò ăn thêm bột và tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh trên đàn bò.
Dù mới triển khai thí điểm ở 100 hộ dân, nhưng dự án đã tác động rất lớn đến nhận thức của các gia đình tham gia dự án và người chăn nuôi tại địa phương. Hộ chị Huỳnh Thị Hà, dân tộc Cor (thôn 2, xã Trà Nú) đang nuôi một con bò đực giống, 1 con bò nái và 2 con bê. Từ khi được dự án hỗ trợ, đàn bò của gia đình chị luôn khỏe mạnh và béo tốt hơn so với trước. “Khi có chuồng trại thì mình an tâm, không lo bò bị rét và chết do mưa kéo dài. Nhiều người dân trong xóm cuõng đến học tập mô hình nuôi bò an toàn để về chăm sóc đàn bò, không thả rông trong rừng như trước kia” - chị Hà nói.
Ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ chăn nuôi bò an toàn trên địa bàn xã có từ 2 - 3 con bò. Hầu hết đã áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, ban đêm và khi trời mưa kéo dài thì dắt bò về chuồng, không thả rông trong rừng như trước. Nhiều hộ đã bỏ thêm vốn xây dựng chuồng trại và mạnh dạn vay tiền mua thêm bò về nuôi.
Cần nhân rộng mô hình
Những năm qua, mưa lũ kéo dài, trâu bò và gia súc thả rông ở vùng cao Bắc Trà My chết hàng loạt là do bị rét và khan hiếm thức ăn. Trong đó, nông dân các xã Trà Kót và Trà Nú bị thiệt hại nặng. Nay áp dụng mô hình chăn nuôi bò an toàn, người dân biết cách bảo vệ đàn bò của gia đình mình. Anh Võ Văn Chung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Nú cho biết: “Từ khi triển khai dự án, tôi thường xuyên đi kiểm tra và thấy người dân rất phấn khởi vì đàn bò nhà mình phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh như trước.
Bước đầu, người dân còn bỡ ngỡ khi cho bò ăn thêm bột, nay thì ai cũng thành thục và đều khẳng định nuôi bò theo phương thức mới là rất hiệu quả”. Ông Huỳnh Ngọc Thước - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nú khẳng định: “Nuôi bò theo dự án này thì chất lượng đàn bò cao hơn trước, môi trường thôn bản cũng sạch sẽ hơn. Người dân và chính quyền địa phương rất mong dự án được mở rộng để tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân phát triển đàn bò có chất lượng, góp phần cải thiện đời sống gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Kết quả khảo sát mới đây cho thấy đàn bò trên 200 con của 100 hộ dân nằm trong Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò an toàn tại hai xã Trà Kót và Trà Nú đã phát triển tốt hơn so với trước. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Dân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, do kinh phí hạn hẹp nên dự án hỗ trô người dân vùng cao chăn nuôi bò an toàn mới chỉ triển khai mô hình điểm tại hai xã Trà Kót và Trà Nú. Người dân các địa phương này có thể đến học hỏi các hộ được hỗ trợ của dự án để áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi bò trong gia đình mình.
Ông Huỳnh Tấn Dân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Mục tiêu chính của dự án là thay đổi thói quen chăn nuôi gia súc thả rông, hướng dẫn người dân địa phương áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và phát triển đàn bò bền vững. Chính quyền và người dân địa phương triển khai dự án đều mong dự án được mở rộng để có thêm nhiều gia đình nông dân hưởng lợi”.