Bà Đinh Thị Hồng - cán bộ khuyến nông viên cơ sở của xã Hiền Lương cho biết, ban đầu một số hộ trong xã nuôi cá lồng tự phát, sau thấy hiệu quả, bà con trong vùng mạnh dạn đầu tư. Hộ nuôi nhiều từ 8 - 10 lồng, hộ nuôi ít từ 1 - 2 lồng. Hiện tại, xã Hiền Lương có gần 60 lồng nuôi cá các loại, đời sống ngư dân ở đây cũng dần được cải thiện.
Để hỗ trợ bà con nuôi cá lồng, thông qua các chương trình dự án giảm nghèo 135, AFAP,…Trạm Khuyến nông huyện Đà Bắc đã hỗ trợ bà con giống, thuốc phòng bệnh và tư vấn kỹ thuật nuôi.
Hộ gia đình bà Đinh Thị Im (xóm Doi) cho hay: “Trước đây, gia đình cũng chỉ có 2 lồng cá, với mục đích cải thiện đời sống. Thấy hiệu quả gia đình tiếp tục đầu tư nuôi thêm 10 lồng nữa. Nguyên vật liệu làm lồng chủ yếu là khung sắt, lưới và phao phi nhựa dùng để nâng lồng; tính trung bình mỗi chiếc lồng như vậy đầu tư hết khoảng 8 - 10 triệu đồng, dùng rất bền, còn lồng bằng tre - luồng hết khoảng 4 -5 triệu đồng”.
Bà Im cho biết thêm, gia đình bà nuôi chủ yếu là các loại cá như trắm cỏ, trê lai, rô phi đơn tính và cá chày mắt đỏ. Mật độ thả 200 con/lồng 24m3 . Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ và thức ăn tinh, phụ phẩm nông nghiệp của gia đình sản xuất được, không phải mua thức ăn công nghiệp nên tiết kiệm được đầu vào. Bình quân năng suất thu được hơn 2 tạ cá/lồng. Cá thương phẩm xuất bán đạt 2 - 3 kg/con (cá trắm cỏ), 0,8 - 1kg/con (rô phi đơn tính ), 2 - 3,5 kg (trê lai). Thương lái ngoài thị xã Hòa Bình vào thu mua với giá 50.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại. Một năm gia đình bà xuất bán được hơn 25 tạ cá, trừ chi phí còn lãi hơn 160 triệu đồng.
Ngoài ra, bà Im còn chuyển hướng sang ương 2 lồng cá trê lai, trắm cỏ làm giống, bán cho bà con trong vùng. Nhờ tích cực học hỏi, cộng với tính cần cù chịu khó, nên bà nuôi cá lồng ngày càng hiệu quả.
Không chỉ hộ bà Im mà nhiều hộ khác trong xóm cũng có thu nhập vài chục triệu đồng một năm từ nghề nuôi cá lồng. Nghề đánh bắt cá trên sông thường bấp bênh, kém hiệu quả thì mô hình nuôi cá lồng đã góp phần chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân sống xung quanh hồ có được nguồn thu nhập ổn định. Bước đầu hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung mang tính hàng hóa, khai thác tốt lợi thế mặt nước, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.