00:00 Số lượt truy cập: 3229846

Hòa Bình: Lặc lày - cây xoá đói giảm nghèo ở xã Cư Yên 

Được đăng : 03/11/2016

Qủa lặc lày (còn gọi là mướp rừng, mướp mường) là thứ quả được đồng bào Thái, Mường trồng nhiều ở vùng núi Tây Bắc. Trước đây, lặc lày còn xa lạ với người dân miền xuôi, nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, loại quả này đã trở thành món ăn đặc sản được ưa chuộng trên thi trường.




Năm 2008, được sự trợ giúp của Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ, xã Cư Yên tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con trồng lặc lày theo phương pháp hữu cơ mang hiệu quả kinh tế cao. Đây là phương pháp tận dụng phân chuồng hoai mục đã được ủ kỹ để chăm sóc cho cây. Nhờ phương pháp này, cây lặc lày cho năng suất cao, thu nhập của người trồng lặc lày có thể đạt từ 100-120 triệu đồng/ha/năm. Canh tác theo phương pháp này còn đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng trong nước.

Trong vụ xuân hè năm nay, xã Cư Yên đã trồng được 68 ha hoa màu, trong đó 5 ha là trồng cây lặc lày. Quả lặc lày có giá bán khá cao, nếu bán lẻ bà con bán được giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, còn đổ buôn với giá hiện tại 15.000 đồng/kg. Bà con xóm Rậm cho biết có ngày bán từ 2-3 tấn quả cho các thương lái từ khắp các nơi đến thu mua, trừ chi phí, người trồng lặc lày vẫn có lãi gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa và các loại hoa màu khác.

Ông Hoàng Anh Đào - Chủ tịch xã Cư Yên cho biết: “Cây lặc lày giờ trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng xã Cư Yên. Nhờ cây lặc lày mà nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn”.

Cây lặc lày là loại cây rất dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Mặt khác vốn đầu tư ít, kỹ thuật chăm sóc lại khá đơn giản nên nhanh chóng tạo được sức hút đối với nhiều hộ dân. Cây lặc lày được trồng vào tháng 12, ra quả vào tháng 3. Không giống với các loại cây thân leo, lặc lày thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng, cho năng suất cao. Việc tiêu thụ lại thuận lợi, đôi khi cung không đáp ứng đủ cầu do một số cửa hàng rau, củ quả, khách sạn, nhà hàng trong huyện và Hà Nội nhận đặt mua với số lượng lớn.

Nhờ trồng lặc lày mà bà con trong thôn, xóm nhiều hộ đã dư giả, có đồng ra đồng vào, thoát nghèo và vươn lên khá, giàu. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Phúc xóm Rậm, xã Cư Yên. Năm 2008 được sự giúp đỡ của Tổ chức Phát triển nông thôn Đan Mạch, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 700m2 từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lặc lày. Qua một vài năm, chị nhận thấy loại cây này cho giá trị kinh tế cao. Thấy được hiệu quả năm 2010 chị tiếp tục mở rộng diện tích lên 1.400m2. Với điện tích hiện có, gia đình chị Phúc mỗi ngày thu về 300-400 ngàn đồng. Trừ chi phí chị thu hơn 30 triệu đồng mỗi năm. Đây là một nguồn thu không nhỏ đối với những hộ dân nghèo ở xã Cư Yên.

Không chỉ có gia đình chị Phúc có nguồn thu nhập từ cây lặc này mà còn rất nhiều hộ như: ông Vượng (xóm Rậm), ông Sơn, chị hiền (xóm Giếng Xạ)... từ những hộ khó khăn của xóm đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Gìơ đây, lặc lày không chỉ được trồng ở xã Cư Yên mà nhân rộng ra các xã trong huyện. Sản phẩm làm ra của người nông dân còn được giới thiệu, quảng bá tại các phiên chợ, hội chợ. Đặc biệt, từ tháng 5/2009 loại rau sạch này có mặt tại siêu thị Big C (Hà Nội). Khi lặc lày đã xây dựng được thương hiệu, chắc chắn lặc lày sẽ được người tiêu dùng và công ty kinh doanh rau sạch tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc, cuộc sống của bà con nông dân trồng lặc lày sẽ có thu nhập ổn định, bền vững. Đây chính là bước đột phá của những người nông dân miền núi vốn quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ với phương thức canh tác lạc hậu, kém hiệu quả. Nay, họ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sớm đưa sản phẩm của mình trở thành hàng hóa đặc sản có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.