00:00 Số lượt truy cập: 3230995

Hòa Bình: Trồng su su lấy ngọn – hướng thoát nghèo của người dân Tân Lạc 

Được đăng : 03/11/2016

Nhắc đến các xã Ngổ Luông, Quyết Chiến, Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Tân Lạc (Hòa Bình) là người ta biết đến vùng sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng không chỉ tỏi tía, quýt Nam Sơn mà còn phải kể đến cây su su lấy ngọn…, đã giúp bà con nơi đây từng bước thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.


Những năm qua diện tích một số cây trồng ngày càng mở rộng phát triển đặc biệt là cây su su lấy ngọn. Cây su su lấy ngọn đã gắn bó với người dân từ lâu, hầu như gia đình nào cũng trồng và mang lại hiệu quả kinh tế, làm giàu cho thôn xóm.

Người dân Tân Lạc thu hoạch ngọt su su


Cây su su được bà con vùng cao đánh giá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc tốn ít công lao động mà cho hiệu quả kinh tế cao so với cấy lúa, trồng ngô; nhiều hộ có thu nhập khá từ cây trồng này.


Ông Bùi Văn Bến, Phó Chủ tịch xã Quyết Chiến chia sẻ: “Là xã vùng cao khó khăn của huyện Tân Lạc, nhờ được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án đầu tư phát triển trồng cây su su, đã giúp bà con địa phương tăng thu nhập. Hiện toàn xã có trên 38ha trồng su su lấy ngọn, hộ trồng nhiều lên đến 1 - 2 ha, hộ ít cũng phải 300 - 400 m2 . Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được tiếp tục triển khai, nhằm tạo mọi điều kiện để bà con yên tâm sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu”.


Chị Bùi Thị Quyết - hộ dân trồng su su lâu năm ở xóm Biệng, xã Quyết Chiến cho biết: “Trồng cây su su lấy ngọn vốn bỏ ra cũng không nhiều, chỉ đầu tư những cây tre, cây nứa làm giàn là có thể tận dụng được đến 6 – 7 năm, còn về giống năm đầu bà con phải mua và những năm sau phần đa các hộ tự nhân được giống cho các vụ sau. Hiện gia đình tôi trồng khoảng 5000m2 su su lấy ngọn, trung bình 3-4 ngày là thu hái ngọn một lần, mỗi ngày khoảng được hơn 1 tạ ngọn, một tháng thu 1 - 1,3 tấn ngọn. Với giá bán 3.000 - 3.500đồng/kg, ước tính một năm thu lãi 30 – 40 triệu đồng”.


Gia đình chị Bùi Thị Thâm cũng ở xóm Biệng, với diện tích 3000m2 , trước kia chủ yếu canh tác ngô nhưng bấp bênh hiệu quả không cao. Từ khi có chủ chương của địa phương, chị cũng chuyển đổi sang trồng cây su su lấy ngọn, mỗi năm cũng mang về cho chị nguồn thu nhập khá.


Do điệu kiện khí hậu thuận lợi mát mẻ quanh năm, phù họp với cây su su lấy ngọn, cây sinh trưởng và phát triển mạnh, ngọn mập được thị trường ưa thích. Đặc biệt rau ở đây là rau sạch, bà con không hề phun bất cứ loại thuốc sâu nào. Chính vì vậy mà trong tháng 9 năm 2013, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã kiểm tra chất lượng rau su su và cấp giấy chứng nhận mô hình “Sản xuất rau su su an toàn” tại xã Quyết Chiến. Nhờ vậy mà sản phẩm của bà con được tiêu thu mạnh hơn và giá bán cũng cao. Đây là niềm phấn khởi vui mừng đối với người dân, giúp họ có cuộc sống ổn định, bền vững.


Không chỉ có Quyết Chiến mà các xã Ngổ Luông, Lũng Văn, Nam Sơn, Bắc Sơn cũng đang “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ cây su su lấy ngọn. Người dân đã biết tận dụng -  biến những diện tích đất đồi, đất bưa bãi không thể cày cấy được chuyển sang trồng su su để tăng thêm diện tích, tăng hiệu quả kinh tế và làm giàu cho gia đình.

Đình Thủy - Trung tâm khuyến nông Hòa Bình