00:00 Số lượt truy cập: 2677088

Hoà Mạc giải bài toán làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016
Là xã vùng 2 của huyện Văn Bàn (Lào Cai), 95% dân số Hoà Mạc là đồng bào dân tộc Tày. Năm 2005, thu nhập bình quân đầu người ở Hoà Mạc là 3,6 triệu đồng/năm, dự kiến năm 2006 hơn 4 triệu đồng.


Đã 8 giờ sáng, nhưng mặt đất còn tràn hơi sương sớm. Những con đường dẫn vào các khe, bản của Hoà Mạc đã rộn tiếng người đi chợ, tiếng mõ lóc cóc theo đàn trâu, bò lên đồi...

Trồng rau xanh, nuôi cá

Đỗ xịch chiếc xe máy Wave a trước cửa, gỡ 2 chiếc sọt nan xuống, chị Đồng Thị Hướng cười rất tươi: "Chưa ra tới chợ tôi đã bán hết rau". Nhà chị Hướng có 5 sào đất màu, trước kia quanh năm chỉ trồng ngô, gần đây, chị trồng thêm đỗ tương cao sản, rau xanh. Vụ đông năm nay, vợ chồng chị trồng 2 sào rau cải xanh, dự kiến sẽ thu hơn 1,4 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa.

Ông La Đình Thưởng -Chủ tịch UBND xã Hoà Mạc cho biết: "Diện tích rau màu vụ đông năm nay của xã khoảng 20ha, tăng gấp đôi so với năm 2005. Bình quân 1ha canh tác hơn 20 triệu đồng. Dù bán buôn hay bán lẻ, rau trồng ở Hoà Mạc bao giờ cũng hút khách hơn rau của các nơi khác".

Không chỉ trồng rau xanh, người dân Hòa Mạc còn lợi dụng những lạch nước nhỏ chảy ra từ các khe núi để đào ao nuôi cá. Kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cá của ND Hoà Mạc chẳng kém dưới xuôi. Men theo khe nước Loòng Sề, ông La Văn Khỏa đào đắp tới 8 cái ao, với tổng diện tích 1ha mặt nước. Mỗi năm gia đình ông thu gần 2 tấn cá. Hai năm nay, ông còn về TP.Lào Cai mua các giống cá mới, như rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, chim trắng về nuôi. Năm 2006, dự kiến gia đình ông thu hoạch khoảng 3 tấn cá, giá trị gần 45 triệu đồng.

Chăn nuôi tập trung

Ông Hà Đình Chiên - Bí thư Đảng uỷ xã Hòa Mạc khẳng định: Một trong những lợi thế của xã là có 200ha đồi cỏ tự nhiên. Để khai thác lợi thế này phải phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung. Trong vòng 2 năm nay, số lượng trâu, bò ở các hộ tăng rất nhanh. Nếu như năm 2005, toàn xã mới có 1.270 con trâu, 570 con bò, thì năm 2006, đàn trâu tăng lên 1.320 con, đàn bò 720 con, trung bình mỗi hộ nuôi gần 4 con. Hiện xã đang thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò sinh sản và đưa thêm dê vào danh mục phát triển chăn nuôi đại gia súc...

Ở Hòa Mạc, hộ có nhiều bò nhất là ông Hà Xuân Hạt ở bản Nậm Mạc. Gia đình ông chuyển từ nuôi trâu sang nuôi bò sinh sản từ năm 1996. Với 3 con bò cái ban đầu, trừ số bò đã bán trong 10 năm qua, hiện gia đình ông có hơn 60 con bò.

Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà đã có cuộc sống khá giả. Anh Hoàng Văn Dương ở bản Nòm 5 kể: "Cách đây 6 năm, gia đình tôi vẫn nghèo nhất nhì bản. Năm 2001, được Hội ND bảo lãnh, Ngân hàng CSXH cho gia đình tôi vay 3,5 triệu đồng để mua 3 con bò cái. Đến nay, ngoài số bò đã bán, tôi vẫn còn 25 con".

Ông Chiên cho biết, theo tiêu chí mới, năm 2005, Hòa Mạc vẫn còn 156 hộ nghèo, đến cuối năm 2006 chỉ còn 65 hộ (giảm 58,3%). Mục tiêu phấn đấu, năm 2010 Hòa Mạc sẽ là một trong những xã giàu của huyện Văn Bàn, với thu nhập bình quân đầu người 8 triệu đồng/năm...