00:00 Số lượt truy cập: 3230924

Hoài sơn “bén duyên” đất đồi 

Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù mới “bén duyên” đất Tam Điệp (Ninh Bình) không lâu nhưng cây hoài sơn (củ mài) đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế khi giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khấm khá...

Trao đổi kinh nghiệm trồng hoài sơn tại thị xã Tam Điệp.

“Nhập cư"

Củ hoài sơn tính bình, vị ngọt, có thể dùng làm thuốc để tăng cường năng lượng, tác dụng bổ phổi, bổ thận, giúp tiêu hoá tốt, đặc biệt phù hợp với người già và trẻ em. Ngoài ra, hoài sơn còn được dùng trong Đông y hay làm nguyên liệu, phụ gia trong sản xuất bánh kẹo.

Từ lâu, ông Trương Thái Bảo, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thị xã Tam Điệp đã ấp ủ ước mơ đưa cây hoài sơn về trồng tại quê nhà. Năm 2009, ông chính thức triển khai dự án và bắt đầu trồng thí điểm ở một số địa phương, sau đó nhân rộng ra khắp thị xã. Tận dụng địa hình đồi núi, ông Bảo triển khai trồng thí điểm ở các phường: Bắc Sơn, Tây Sơn, Quang Sơn. Để dự án đạt được kết quả cao nhất, Trung tâm đã mở 5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoài sơn cho 521 học viên. Ngoài ra, bà con còn được phát thêm nhiều tài liệu liên quan đến cây hoài sơn để chủ động trong quá trình triển khai dự án.

Ông Bảo cho biết: “Nếu trồng xen hoài sơn với nhãn, vải thì năng suất không những tăng mà bà con còn có thêm thu nhập. Với 1ha vải, nhãn (200 - 250 cây), có thể trồng xen khoảng 400 - 500 cây hoài sơn. Điển hình như gia đình ông Khôi ở phường Tây Sơn trồng xen nhãn, dứa và hoài sơn, áp dụng đúng kỹ thuật, bón phân theo hướng dẫn nên có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Gắn với xây dựng nông thôn mới

Thấy được hiệu quả của dự án, UBND thị xã Tam Điệp đã cho phép trồng và nhân rộng hoài sơn ra các vùng lân cận vì nhận thấy đây là loại cây xóa đói giảm nghèo trên vùng đất đồi. Theo đó, Trung tâm Dạy nghề thị xã phối hợp với Hội Nông dân và một số ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền về hiệu quả của giống cây này. Đồng thời, cử hội viên đi tham quan học hỏi mô hình điểm ở huyện Nho Quan và các tỉnh lân cận. ông Bảo cho biết thêm: “Dù mới triển khai thí điểm nhưng bước đầu dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Thực tế cho thấy, nếu các hộ thực hiện đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất 1 - 1,2 tấn/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), thu nhập 240 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi khoảng 100 triệu đồng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đề nghị các cơ quan chuyên môn khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu để có kế hoạch sản xuất phù hợp cho từng địa phương. Chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật nhằm động viên các hộ tham gia trồng, đồng thời giới thiệu cơ sở tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định, đưa hoài sơn thành cây xoá đói giảm nghèo trên vùng đất đồi Tam Điệp”.