00:00 Số lượt truy cập: 2677706

Hoạt chất xử lý nước giá rẻ 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay có nhiều công nghệ làm nước sạch cho sinh hoạt, nhưng người dân nghèo chưa hẳn đã được dùng nước sạch đầy đủ. Một trong những nguyên nhân là chi phí mua nước còn cao, chưa tương xứng với khả năng tài chính của số đông người nghèo. Kỹ sư (KS) Lê Ngọc Khánh đã giải thích như vậy khi được hỏi về lý do của sự cần thiết phải nghiên cứu giải pháp tạo nước sạch với giá rẻ cho người nghèo.


 


Nguyên lý của giải pháp nước sạch mà KS Khánh nêu ra khá đơn giản, đó là các kim loại nặng như kẽm, chì, sắt, thạch tín, thủy ngân... và nhiều chất hữu cơ mạch vòng khi nằm trong môi trường PH rất cao sẽ chuyển thành các chất kết tụ không hoà tan nữa.

Các chất không hoà tan trên có thể kết tủa nhanh nhờ các chất keo tụ, kết lắng. Sau đó khử chất để hạ độ PH xuống trung tính để được nước sạch đạt tiêu chuẩn ăn uống. Từ nguyên lý này, KS Khánh đã nghiên cứu cho ra sản phẩm C1 và C2 dùng xử lý  các loại nước giếng cũ phèn sắt, các loại nước sông mùa lụt, các loại nước ao hồ có cặn vô cơ, hữu cơ... Chất C1 được chế tạo từ một muối vô cơ chứa lượng ion kiềm dư, khi hòa chất này vào nước, môi trường nước sẽ có độ PH cao. Vì vậy các ion kim loại nặng, chất hữu cơ mạch vòng... sẽ kết tụ không hòa tan. Vài phút sau dùng tiếp chất C2, là hỗn hợp các chất keo tụ vô cơ và hữu cơ có tác dụng làm lắng tụ nhanh các hạt đang lơ lửng. Đồng thời, một gốc acid trong nhóm C2 sẽ khử ion kiềm dư và cùng kết lắng để trả lại cho nước trạng thái trung tính.

Theo ông Khánh, nước giếng nhiễm phèn, nước sông, ao, hồ... sau khi xử lý Cl, C2 đã được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đánh giá là đạt hầu hết các tiêu chuẩn của nước sinh hoạt. Đặc biệt là giá thành rẻ phù hợp với người có thu nhập thấp. Cứ 1 kg gồm cả Cl và C2 giá 15.000 đồng có thể làm sạch từ 5m3 đến 7m3 nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Cách sử dụng cũng rất đơn giản. Trước hết, đổ nước phèn hoặc đục vào lu, dùng ly nước đã hoà chất C1 khuấy đều trong lu nước. Vài phút sau đổ ly nước đã hoà tan chất C2 vào lu nước và để yên trong vòng 1 giờ. Khi chất dơ kết tủa, nước trong veo thì có thể dùng phần nước trong. Hoạt chất C1 , C2 đã được sản xuất và cung cấp cho người dân tại Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ và môi trường Châu Á Xanh, TP Hồ Chí Minh.

Theo KS Khánh, chất C1, C2 có thể tham gia xử lý ở quy mô lớn ao, hồ hoặc kênh rạch bị ô nhiễm. Việt Nam hiện có nhiều kênh rạch đang bị ô nhiễm như kênh Nhiêu Lộc, Tham Lương, Kênh Tẻ, sông Tô Lịch...


 

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, KS Khánh đã thí nghiệm xử lý mẫu nước kênh Nhiêu Lộc. Kết quả là chuyển nước bẩn thành nước thải loại A (có kiểm tra của Viện kỹ thuật nhiệt đới môi trường).


 

Người ta có thể dùng Cl, C2, Fenton pha loãng và tưới lên mặt kênh rạch khi cho Cano chạy theo kênh. Cánh quạt của máy Cano đánh xoáy và cách bố trí ống lưới giúp các chất tan đều trong nước kênh và chỉ sau vài giờ nước sẽ trong dần và tất cả các cặn lắng xuống đáy. Một ao 500 m3 ở Thanh Trì - Hà Nội đã được xử lý ra nước trong sau hai giờ với sự hợp tác của Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam.


 

Nhưng để bảo vệ môi trường, làm sạch nước cống rãnh một cách cơ bản và lâu dài,  theo ông Khánh, ở những nơi nước bị ô nhiễm cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải ngay khi nước đang chảy trong cống chưa ra đến kênh rạch. Trong cống có lắp các đường ống để xả các dung dịch C1, C2, Fenton. Trên cống lắp các bể chứa dùng hoà tan C1 , C2, Fenton và hệ thống điều khiển xả các chất này xuống cống theo chương trình. Cuối cống xây một hố ga lớn để thu gom cặn và một mặt nghiêng cho nước trong chảy ra kênh. Ông cho rằng, đầu tư các hệ thống này rẻ hơn so với xây dựng bể xử lý lớn. Hệ thống này có thể phục vụ trong 50 năm (ba năm tiểu tu và 10 năm đại tu).


 

Ông Khánh cho rằng với công nghệ này, một số kênh như Tô Lịch, Nhiêu Lộc có thể làm sạch với chi phí đầu tư thấp, chỉ bằng 50% so với công nghệ nước ngoài. Kết hợp với cung cấp nước sạch cho người dân lâu dài, ông Khánh còn đề ra trong dự án xây dựng nhà máy sản xuất các chất C1, C2, Fenton vừa phục vụ nước sinh hoạt vừa dùng xử lý nước cống rãnh. Công suất xưởng đến 10.000 tấn/năm C1, C2, Fenton đủ xử lý 15 triệu m3 nước kênh rạch và nước thải và tạo ra 30 triệu m3 nước sinh hoạt.


 

Ông Khánh cho biết sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để thực hiện các chương trình xử lý nước kênh rạch ô nhiễm và nước thải công nghiệp.