Với hơn 200.000ha đất gò đồi, 15.000ha mặt nước nên những năm gần đây, các cấp, ban ngành tỉnh Quảng Bình đã dành nhiều ưu tiên cho phát triển kinh tế trang trại. Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp về thăm một số chi Hội cơ sở của Hội Làm vườn Quảng Bình và tận mắt chứng kiến những mô hình trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao cũng như sự thay đổi nhanh chóng của bộ mặt nông thôn nơi đây.
Từ hiệu quả của một chương trình...
Một trong những dự án góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại ở Quảng Bình phát triển là Chương trình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 – 2010. Để triển khai Chương trình, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể quần chúng, tạo nên phong trào làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại sâu rộng. Từ sự khuyến khích, giúp đỡ ban đầu, hiện ở Quảng Bình đã xuất hiện hàng ngàn mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao.
Với bản tính cần cù, chịu khó, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gia đình anh Hoàng Văn Nam ở bản Đá Chát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đã “vĩnh biệt” cái nghèo và trở thành một trong những hộ có thu nhập cao nhất xã. Anh đã mạnh dạn vay hàng chục triệu đồng để cải tạo vùng đất khô cằn ở Đá Chát thành mô hình VAC với hàng trăm cây ăn quả gồm xoài, bưởi, cam; đào 700m2 ao thả 5.000 con cá chép, mè, trắm. Ngoài ra, anh còn nhận trồng 2ha rừng và 0,5ha đất trống để cải tạo trồng rừng, kết hợp chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, 7.000 cây bạch đàn đang phát triển tốt, riêng thu nhập từ mô hình VAC đã mang lại cho gia đình anh hàng chục triệu đồng/năm.
Gia đình ông Trương Như Hợi ở thôn Đông Thiện (Lệ Thuỷ) mấy năm nay cũng gặt hái được thành công từ mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Nhờ mạnh dạn vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội Lệ Thuỷ, ông đã đào ao thả 1.000 con cá trê giống, 1.000 con cá trắm, mè và ương nuôi 8.000 con cá giống các loại. Không những thế, ông còn nuôi 2 – 3 lứa gà, ếch, trừ chi phí, lãi 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Trương Đình Sơn, Chủ tịch HLV tỉnh Quảng Bình, những mô hình kinh tế trang trại như gia đình anh Nam, ông Hợi... đã và đang góp phần tạo thêm sức mạnh cho kinh tế trang trại của tỉnh, nhiều gia đình theo đó học tập, mạnh dạn đầu tư và dần thoát khỏi đói nghèo. Đến nay, HLV tỉnh đã xây dựng được gần 1.000 trang trại với tổng diện tích 5.424ha, tăng 50 trang trại so với năm 2007, trong đó có 796 trang trại đạt tiêu chí, thu nhập bình quân 45 – 50 triệu đồng/trang trại. Trong cơ cấu kinh tế, trang trại trồng trọt vẫn chiếm ưu thế với 579 mô hình, còn lại là trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và trang trại tổng hợp. Hội đã cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho 163 hộ gia đình, phấn đấu từ nay đến hết năm 2009 sẽ cấp thêm khoảng 500 giấy chứng nhận cho các chủ trang trại. “Không chỉ tạo việc làm cho 3.000 lao động, các trang trại đã thực sự góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu”, ông Sơn nhận định.
Đến những "quyết sách" lớn
Cũng nhờ chú trọng, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại mà đến nay, đã có 50% diện tích vườn tạp, ao hoang, chuồng trống hiệu quả kinh tế thấp của tỉnh được cải tạo. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ngày càng được mở rộng với 3.351,5ha. Phong trào nuôi trâu, bò phát triển khá mạnh ở các huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch, Minh Hoá với hàng trăm hộ nuôi quy mô từ 20 đến 50 con trâu, bò trở lên. Đặc biệt, nuôi hươu sao đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn với bà con. Riêng Chi hội nuôi hươu sao ở huyện Quảng Ninh đã thu hút 36 hội viên tham gia với 106 con. Chủ trương
Đến nay, tỉnh Hội đã trực tiếp hỗ trợ, chỉ đạo xây dựng 354 mô hình VAC kết hợp như vườn cây ăn quả ở vùng đồi Phú Thủy, Mỹ Thủy (Lệ Thủy); Vạn Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh (Quảng Ninh); Phú Định, Tây Trạch, Vạn Trạch (Bố Trạch); mô hình lúa - cá - vịt ở Đồng Phú (TP. Đồng Hới)... Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình VAC, trang trại, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và chỉ đạo cải tạo 540ha vườn đồi, 1.200ha vùng cát ven biển.
Phát huy những thành quả đã đạt được, năm 2009, HLV Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tập trung phát triển các mô hình VAC hiệu quả cao, nhằm đạt mục tiêu xây dựng mới 250ha vườn cây ăn quả, 150ha vườn đồi, vườn rừng... Đồng thời, không ngừng tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng, giá trị cao nhằm tăng thu nhập cho hội viên, góp phần xóa đói giảm nghèo.