Ông Trình Ngọc Huynh- Phó Chủ tịch Hội Cam sành Hàm Yên thông tin: “Ban vận động Hội Cam sành ra đời năm 1986, sau một năm hoạt động, Hội Cam sành Hàm Yên được thành lập”.
Giữ thương hiệu cam sành
Vẫn theo ông Huynh, Hội Cam sành có 200 thành viên, với diện tích 300ha. Hội hoạt động theo nguyên tắc trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi tháng hội sinh hoạt một lần để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, cũng như giải đáp những thắc mắc gặp phải xung quanh việc trồng cam. Hội cũng tổ chức các buổi tập huấn KHKT từ cách trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn.
“Ngay từ khi thành lập Hội Cam sành, chúng tôi rất chú trọng đến bảo vệ thương hiệu cam sành Hàm Yên (đã đăng ký từ năm 1987). Giờ đây, cam sành Hàm Yên có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc. Vào vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua. 4-5 năm trở lại đây, 30% sản lượng cam do hội viên Hội Cam sành sản xuất ra đã đi vào siêu thị ở Hà Nội như Metro, BigC... và tham gia các hội chợ nông nghiệp”- ông Huynh chia sẻ.
Ông Đỗ Trung Kiên- Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để trợ giúp ND, ngoài các buổi tập huấn KHKT hàng năm, hội còn hỗ trợ phân bón. Cuối tháng 2 vừa qua, hội phối hợp với Công ty Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao hỗ trợ 20 tấn phân bón cho người trồng cam sành”.
Trồng cam mua ô tô tiền tỷ
Là một trong những người đầu tiên trong phong trào trồng cam sành, giờ đây ông Huynh đã có trong tay một khối tài sản lớn về kinh nghiệm trồng cam và thu nhập. Từ trang trại trồng cam, ông đã mua được ô tô tiền tỷ. “Khi tôi bắt đầu trồng cam, cả xã Yên Lâm này chỉ lác đác vài ba hộ trồng. Ban đầu khó khăn trăm bề vì ở đây chủ yếu là đất đồi”- ông Huynh cho hay.
"Trong Hội Cam sành, những hộ gia đình thu được tiền tỷ và mua ô tô không hiếm”. |
Lan Dương