00:00 Số lượt truy cập: 3230517

Hồi sinh vùng đất na 

Được đăng : 03/11/2016
Cận rằm tháng bảy, quả na ở miền biên giới Lạng Sơn tấp nập người bán, kẻ mua. Na năm nay được giá, quả to bán được gần 40.000 đồng/kg. Thứ quả đặc sản này không còn cảnh: đắt hàng đầu vụ, đổ đi cuối mùa như những năm trước.

Trẻ hóa cây na

Na Chi Lăng (Lạng Sơn) phân chia hai vùng rõ rệt: Na bở ở thị trấn Đồng Mỏ, Lũng Cút, Mai Sao; Na dai ở Đồng Bành, Quang Lang. Đã qua hàng chục năm, đa số cây na thoái hóa, già cỗi, sản lượng giảm sút. Người trồng na tiến hành thử nghiệm chương trình trẻ hóa cây na, bằng cách chặt tỉa cây ngang tầm người, cao độ hai mét, vào khoảng tháng 11 âm lịch.

Na Chi Lăng hiện có trên 1.200ha, sản lượng ước đạt khoảng bảy nghìn tấn quả. Nhiều hộ có thu nhập trên một trăm triệu đồng, đời sống nhân dân trong vùng ngày một nâng cao.

Khi có đợt không khí lạnh tràn về, lá na chuyển sang màu vàng xanh, nghĩa là na đã “già”, người nông dân tuốt lá cây hoặc xử lý bằng biện pháp hóa học dùng dung dịch Ethrell 45% nồng độ 5ml/lít nước phun ướt lá, sau nửa tháng, lá rụng, na bắt đầu ủ mầm hoa, chờ thời tiết ấm đậu quả, sau đó tập trung nhân lực thụ phấn nhân tạo cho hoa na.

Ông Lương Thành Chung, cán bộ phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết, nhờ việc áp dụng phương pháp này, na Chi Lăng bây giờ to, mắt đều, có quả nặng gần một kg. Thấy được chương trình trẻ hóa cây na đem lại hiệu quả thiết thực, sản lượng tăng, không phải vất vả chăm sóc, trèo hái, nên các hộ trồng na trên địa bàn đã học tập, đua nhau áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Năm nay, do làm tốt công tác quảng bá, đến thời điểm chính vụ, na vẫn bán được giá, trung bình trên dưới 30.000 đồng/kg.

Sáng kiến

Cách đây ba năm, ở xã Chi Lăng xuất hiện một loại ròng rọc để tải na từ trên núi xuống đường cái, đến mùa chăm sóc cây, ròng rọc lại làm nhiệm vụ tải phân bón lên núi. Ông Linh Văn Chít, người bản địa, tâm sự: Bây giờ ở quê tôi có trên 50 cái ròng rọc như thế này.

Người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ham học hỏi, đúc kết từ kinh nghiệm lao động hàng ngày, bảo nhau làm, chỉnh sửa máy ròng rọc, ngày một hoàn chỉnh. Trước kia leo trèo vất vả, bây giờ, giỏ na nặng 30 kg chuyển từ đỉnh núi cao xuống vào vị trí an toàn chưa đầy hai phút.

Còn ông Nguyễn Đức Sự (53 tuổi), trú tại thôn Than Muội, xã Quang Lang, có sáng kiến tay hái quả đa năng. Ông dẫn khách ra vườn na, dùng cái “máy cắt”, nhằm vào vị trí quả na chín trên cây, điều khiển cho quả rơi gọn vào túi vợt, rồi mang xuống đất, thời gian chỉ độ vài giây, không tốn sức trèo hái. Ông tâm sự: “Năm 2004, vợ tôi do trèo na, ngã vỡ đầu, tôi nghĩ ra cách hái quả đa năng này, ngày đầu, tận dụng những dụng cụ bằng tuýt xe đạp, khung giường mọt của bệnh viện, sau cải tiến cán cầm bằng i-nốc, không rỉ.

Thấy tiện lợi, người dân hỏi mua, tôi đã bán được trên ba chục cái, giá ba trăm ngàn đồng/chiếc. Ông Sự đã được về Hà Nội nhận giải “Cúp vàng Nông nghiệp 2009”, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng bằng khen vì những sáng chế hữu ích cho người nông dân.