00:00 Số lượt truy cập: 2672116

Hồng Việt có nghề làm cây 

Được đăng : 03/11/2016
Đến Hồng Việt (Đông Hưng, Thái Bình) mới thấy cái quan niệm "phải bám được vào quốc lộ, tỉnh lộ hay ít ra là huyện lộ mới mở mang được kinh tế" chỉ đúng có một phần. Hồng Việt chẳng có một tý thuận lợi nào về giao thông, có thể nói đây là "vùng sâu vùng xa" của huyện, nhưng kinh tế lại rất khá.


Đó là nhờ dân biết giữ nghề cũ rồi từ đó phát triển, làm phong phú nó lên. Nghề cũ ấy là nghề làm cây giống. Từ hàng trăm năm nay, dân làng Quán và làng Đông của xã đã gánh cây giống đi bán khắp nơi. Nhưng thời ấy, cây giống chủ yếu là cây ăn quả, người làm cây giống cũng chỉ làm trên những mảnh đất vườn vụn vặt. Ông Hoàng Đức Kiếm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, chỉ từ khi huyện hoàn thành việc quy hoạch vùng, thực hiện việc cơ cấu giống lúa, khuyến khích chuyển lúa thường sang lúa chất lượng cao, cho chuyển đổi ruộng từ trồng lúa sang trồng cây- chăn nuôi, và nhất là từ khi Phòng NN&PTNT tham mưu cho lãnh đạo huyện khuyến khích việc chuyển nhượng, chuyển đổi ruộng đất cho nhau (trước đây, UBND xã không ký xác nhận việc này), được lãnh đạo huyện chấp nhận, người dân có được những diện tích đủ lớn để đầu tư, thì nghề cây giống, nghề trồng hoa, trồng cây cảnh (gọi chung là nghề làm cây) mới thực sự phát triển. Hiện tại, 1.200/1.700 hộ trong toàn xã đã chuyển từ trồng lúa sang làm cây. Hàng trăm hộ chuyên làm dịch vụ. Số hộ thuần lúa chỉ còn lại vài trăm. Đến Hồng Việt bây giờ, thấy vườn hoa, vườn cây cảnh liên tiếp nhau, muôn màu muôn sắc. Hầu hết các hộ đều làm cây theo kiểu tổng hợp: Dành một ít đất trồng hoa, trồng cây giống các loại. Hoa và cây giống có thể bán hàng ngày tạo ra nguồn sống thường nhật; một phần đất khác dùng trồng đào, quất, loại cây này phải hàng năm, hai ba năm mới được thu một lần. Và cuối cùng là cây thế như sanh, si, đa, lộc vừng, la hán… Loại cây này không thể tính tháng tính năm mà phải hàng chục năm, nhưng đã thu là thu lớn. Ông Lê Quang Hiến có một mẫu đất ven sông, ngoài vườn đào, vườn quất và vườn hoa, ông còn 15 cây sanh to, hàng chục cây sanh nhỏ và hàng trăm cây thế khác. Những cây sanh lớn của ông có giá 20 triệu đồng một bộ (ba cây), sanh nhỏ 8-9 triệu đồng một bộ (hai cây). Những cây thế khác ít nhất cũng có giá vài trăm ngàn. Riêng cây giống, năm vừa rồi ông bán được trên chục vạn cây. Với một mẫu đất ấy, bình quân mỗi năm có lãi 50 đến 60 triệu đồng. Cựu chiến binh Lương Văn Tinh bị nhiễm chất độc màu da cam từ chiến trường, một đứa con của anh bị thiểu năng, đã ngoài hai mươi vẫn không làm ăn gì được, cuộc sống vô cùng khó khăn. Thế mà từ khi nhận chuyển nhượng được hơn một mẫu đất, anh đã trở nên khá giả nhờ nghề làm cây. Năm 2006, anh bán được khoảng bảy vạn cây giống các loại gồm lộc vừng, hoè, mây, cau quả. Năm nay, anh vừa lấy về trên một tấn cau quả để chuẩn bị ươm (ước được khoảng ba vạn mầm). Vườn cây cảnh của gia đình anh hiện trị giá hàng trăm triệu. Chỉ tính riêng 500 cây cau cảnh đã có giá 50 triệu đồng (bình quân 100 ngàn đồng một cây). Cây sanh đẹp nhất, có người đã trả giá trên 40 triệu nhưng anh chưa gật. Hồng Việt hiện có hàng trăm hộ như hộ ông Hiến, anh Tinh.

Cuối năm âm lịch là lúc dân làm cây ở đây bận rộn nhất: Lo bán đào, bán quất, khách mua cây thế dập dìu. Ông Phó Chủ tịch xã cho biết, tám xe tải đã chất đầy các loại cây để sẵn sàng ngược Điện Biên, vào Thanh Hoá, Ninh Bình… Mùa xuân cũng là mùa bán cây giống mạnh nhất. Vừa tết xong một cái đã tất tả chuẩn bị phương tiện chở cây đến các chợ lớn nội ngoại tỉnh. Hai chợ Viềng Xuân ở Nam Vân và Trung Thành (Nam Định) không năm nào không có hàng chục quầy cây, quầy hoa của người Hồng Việt. Vất vả nhưng mà vui, vì có thu nhập khá. Một điều không thể không nói đến: Sở dĩ nghề cây ở Hồng Việt mấy năm nay phát triển thuận lợi, một phần không nhỏ là do được Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện cũng như Quỹ Tín dụng nhân dân xã Hồng Việt cung ứng kịp thời vốn. Người làm cây quanh năm thiếu vốn. Thu nhiều đấy nhưng mà đầu tư cũng nhiều. Tài sản trong vườn thì lớn (chủ yếu là cây thế) nhưng không phải lúc nào cũng bán được… Chỉ riêng quỹ tín dụng xã năm 2006 đã cho các hộ trồng cây vay đến 7 tỷ đồng…

Cứ đà này và nếu có được sự quan tâm, đầu tư quy hoạch tốt, đồng bộ thì "xã sinh vật cảnh Hồng Việt" sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái trong tương lai không xa…