Hiện nay, huyện Khoái Châu vẫn là nơi phát triển kinh tế trang trại mạnh nhất ở Hưng Yên. Cả huyện có gần 1000 trang trại tổng hợp VAC, trong đó trên 400 mô hình đạt tiêu chí liên bộ. Từ năm 2000 đến nay, mô hình kinh tế này đã tạo ra nhiều đột phá và trở thành mũi nhọn khai thác triệt để tiềm năng của vùng đất ven sông Hồng.
Mô hình trang trại tập trung nhiều nhất ở các xã Dạ Trạch, Hàm Tử, Bình Minh, Phùng Hưng, Thành Công mỗi xã có từ 20 đến hơn 50 trang trại đạt tiêu chí. Riêng xã Dạ Trạch, trang trại chiếm 80% diện tích canh tác. Nhiều hộ nông dân có mô hình qui mô lớn như trang trại của ông Phạm Văn Oai (xã Dạ Trạch) rộng 6,5 ha; trang trại của các ông Đào Ngọc Doanh (xã Đại Hưng), Phạm Văn Nghênh (Dạ Trạch), Nguyễn Văn Thiết (xã Đông Tảo) rộng từ 3 đến 4,5 ha.
Các trang trại đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, tiền vốn, lao động; đã có hơn 300 ha đất trũng hiệu quả thấp được chuyển đổi thành trang trại sản xuất hàng hoá nông sản. Phần lớn là mô hình trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả đặc sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, thả cá. Ngoài ra còn có các trang trại chuyên nuôi trồng thuỷ sản, chuyên chăn nuôi lợn nái, lợn thịt xuất khẩu, bò sữa, chuyên trồng cây ăn quả và ươm cây giống. Với cách làm sáng tạo, các chủ trang trại đã tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chọn lọc được giống cây tốt, tích luỹ được kinh nghiệm thâm canh, tạo ra sản phẩm đạt năng suất chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện đa dạng hoá cây trồng theo hình thức xen canh nhiều loại cây như đu đủ, chuối, dược liệu, ớt, lạc, đỗ, rau màu... Hình thức này vừa tận dụng đất theo phương thức lấy ngắn nuôi dài vừa tạo ra nguồn thu cao ngay từ bước đầu. Đáng chú ý, tại các trang trại đã không chuyên canh một cây mà trồng đủ loại phong phú đề phòng mất mùa cây này sẽ được mùa cây khác nên nguồn thu từ trang trại luôn ổn định. Các cây chủ đạo vẫn là cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn, quất cảnh, nhãn lồng... có đầu ra ổn định, dễ tiêu thụ, với các giống cây cho năng suất chất lượng cao.
Do thâm canh tốt, các trang trại thu lãi bình quân trên 60 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động. Nhiều trang trại qui mô lớn cho giá trị cao như trang trại của anh Nguyễn Văn Thiết ở xã Đông Tảo thu lãi 400 triệu đồng/năm; trang trại của chị Nguyễn Thị Hồi (xã Đại Hưng) thu lãi 650 triệu đồng/năm; trang trại của anh Hoàng Văn Lượng (xã Tân Châu), anh Phạm Tiến Quân (xã Việt Hoà) đạt mức lãi 200 triệu đồng/năm.
Hiện nay, huyện Khoái Châu vẫn đang tiếp tục phát triển trang trại theo hướng ổn định bền vững. Cùng với nâng cao giá trị thu nhập, kinh tế trang trại Khoái Châu đang là tiền đề để phát triển du lịch sinh thái ven sông Hồng./.