00:00 Số lượt truy cập: 2690389

Hưng Yên: Nông dân lao đao vì giá rau xanh giảm mạnh 

Được đăng : 03/11/2016
Những ngày gần đây, giá bán các loại rau xanh tại một số chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giảm mạnh, hầu hết, các loại rau đều giảm khoảng 50%, thậm chí, có loại rau giảm tới 70% so với nửa tháng trước đó. Giá rau rẻ, khiến người nông dân “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Dạo qua một số chợ trên địa bàn tỉnh như: chợ Phố Hiến, chợ Gạo, chợ đầu mối nông sản Phố Cao… chúng tôi thấy các loại rau ngắn ngày tràn ngập trên các sạp hàng. Hỏi giá thì các chủ cửa hàng cho biết giá rất rẻ. Các loại rau dền, rau đay, rau mùng tơi giá bán chỉ có 700 đồng/mớ, rau cải 1000 đồng/mớ, bí xanh 2000 đồng/kg, mướp 1000 đồng/quả, rau muống 2000 đồng/3 mớ. Chị Nguyễn Thị Khánh (thành phố Hưng Yên) đang mua rau tại chợ Gạo khoe: “Em thường xuyên đi chợ, giá rau giảm theo từng ngày, rẻ đến mức không còn dám mặc cả nữa. Em mua có 5.000 đồng mà được cả rổ rau các loại… Giờ thì ăn rau no, không bù cho nửa tháng trước đó, rau đã đắt lại còn khan hiếm”. Theo chị Khánh, hiện nay, tại một số chợ, nhiều người đang bán rau theo kiểu "bán tống bán tháo”, không bán nhanh, rau già, héo ai mua. Rau xanh giảm giá khiến các bà nội trợ phấn khởi khi đi chợ. Chị Hoàng Thùy Minh ở thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) cho biết: "Hơn nửa tháng trước tôi vẫn phải mua mớ rau muống với giá 4.000 đồng, cải bắp 8.000 đồng/kg thì nay đã giảm đi một nửa. Cải ngọt có giá trên 4.000 đồng/mớ nay chỉ còn 1.000 đồng, thậm chí buổi trưa, chiều chỉ còn 2.000 đồng/ 3 mớ, đỗ quả 10.000 - 12.000 đồng/kg giảm xuống 5.000 đồng/kg...".

Nông dân thua lỗ vì giá rau xanh giảm mạnh

Theo phản ánh của nhiều hộ kinh doanh, mặc dù các loại rau xanh giá đã giảm mạnh song hàng bán thì ế ẩm. Chị Hiền ở Khoái Châu, vừa là người trồng rau, vừa là người chuyên mang rau đến chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) bán cho hay: "Rau càng giảm giá càng khó bán! Bình thường hàng có hơi ế, cố co kéo thêm được vài đồng, giá rẻ thế này mà ngồi cả buổi không mời được khách!”. Cũng theo chị Hiền thì những năm trước, trời nắng nóng là các loại rau bắt đầu đắt nhưng năm nay trời nắng nóng kéo dài hơn chục ngày qua nhưng hàng bán vẫn chậm.

Trong khi các bà nội trợ giảm được một phần chi phí đáng kể cho bữa ăn hàng ngày thì người nông dân lại “méo mặt” do giá rau xanh giảm mạnh. Đi dọc những cánh đồng rau của xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), những ruộng rau muống, mùng tơi đã đến kỳ thu hoạch mà không được cắt tỉa; một số ruộng rau quá lứa đã chuyển sang úa vàng. Hỏi ra mới biết vì rau quá rẻ nên nông dân không mặn mà thu hoạch. Còn một số nông dân khác thì cắt rau về để nuôi bò, nuôi cá. Bên luống cải xanh mơn mởn, chị Trần Thị Toán cho chúng tôi biết: “Ruộng rau này được trồng khi thị trường đang khan hiếm rau, giá cả đắt đỏ, tưởng sẽ được lãi lớn, ai ngờ đến khi thu hoạch thì giá lại quá rẻ. Trước đây, thương lái đến tận ruộng mua rau, giờ chẳng ai đoái hoài. Cả nhà tôi phải gánh rau lên các chợ bán. Nắng nóng, vất vả nhưng cả gánh rau nặng cũng chỉ thu được 20 – 30.000 nghìn đồng”.

Cùng chung cảnh ngộ với người dân xã Trung Nghĩa, người trồng rau ở xã Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ) cũng méo mặt về giá rau. Ông Trần Văn Sáng (xã Thiện Phiến) chỉ cho chúng tôi xem cánh đồng rau xanh bạt ngàn: “Rau đẹp như vậy mà không có người mua, đến lứa phải thu hoạch, gia đình đành phải cắt về cho lợn, cho bò ăn. Gia đình nhà tôi trồng 5 sào rau như : mùng tơi, rau đay, rau muống. Chi phí mua con giống, đạm lân, thuốc bảo vệ thực vật thì ngày càng tăng trong khi đó giá rau ngày càng giảm, khiến nhà tôi thiệt hại nặng”. Lý giải về tình trạng rau rớt giá, một số ý kiến của cán bộ trong ngành nông nghiệp cho rằng: giá rau xanh giảm mạnh là do cung vượt cầu. Những ngày gần đây, thời tiết thuận lợi, nắng nhiều nên rau phát triển nhanh, đặc biệt là các loại rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn từ 20 – 30 ngày/lứa. Cùng một lúc, một lượng lớn rau được đưa ra thị trường trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng dẫn tới giá rau giảm mạnh. Vậy một bài toán lại được đặt ra là làm thế nào để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” để người nông dân yên tâm sản xuất.

Vũ Huế