00:00 Số lượt truy cập: 3231631

Hướng dẫn nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Việt Nam là nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc, do vậy “nông dân ta giàu thì nước giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước thịnh”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình luôn đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên, nông dân, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả… góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên. 


Đứng trước thực tế phát sinh trong quá trình đô thị hóa, việc hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh đã tác động và ảnh hưởng lớn tới việc làm và thu nhập của nông dân. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nhiều nông dân thiếu việc làm, thu nhập giảm. Để giúp nông dân có thêm việc làm, thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, cơ cấu kinh tế trong nông thôn, Hội Nông dân tỉnh giao cho Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tham mưu, trực tiếp tổ chức công tác dạy nghề phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, năng lực học nghề của hội viên nông dân, khả năng tiêu thụ sản phẩm mà họ làm ra từ việc học nghề và điều kiện thực tế tại các địa phương trong tỉnh, tập trung ưu tiên các đối tượng là nông dân nghèo và nông dân thực hiện thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chủ động dạy nghề, truyền nghề cho hội viên nông dân, hướng mạnh vào dạy các nghề trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp hoặc nghề truyền thống theo hình thức “cầm tay chỉ việc” kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm học nghề và hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Từ đó, hội viên, nông dân yên tâm, phấn khởi và tin tưởng khi tham gia học nghề. Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề cho hội viên, nông dân. Điển hình như năm 2013, đã dạy nghề cho 11.556 nông dân, trong đó Hội Nông dân tỉnh trực tiếp dạy nghề 20 lớp cho 693 nông dân. Hiện nay, nhiều nghề được duy trì và phát triển tốt như: nghề thêu ren xuất khẩu tại xã Gia Trấn, xã Gia Tân (huyện Gia Viễn), xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư); nghề đan bèo bồng bẹ chuối tại huyện Yên Khánh; nghề trồng nấm tại xã Yên Nhân, xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô).v.v… Một số nghề sau khi đào tạo xong 95% lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định như nghề đan cói, đan bèo bồng.

Bên cạnh đó, nhằm trang bị cho nông dân kiến thức khoa học kỹ thuật, cách làm ăn góp phần khắc phục tình trạng sản xuất tiểu nông lạc hậu chuyển dần sang sản xuất hàng hóa hiện đại, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên, nông dân. Bằng những hình thức đa dạng như thông qua các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn… để hội viên, nông dân được “mắt thấy, tai nghe, tay làm” nên hiệu quả công tác tập huấn, chuyển giao KHKT được nâng cao. Nội dung tập huấn luôn bám sát vào nhu cầu của nông dân như: Kỹ thuật gieo cấy lúa cao sản, lúa chất lượng cao, cách sử dụng các loại phân bón, kỹ thuật trồng và cắt tỉa cây cảnh, trồng thanh long, trồng rau an toàn theo quy trình VIETGAP, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, cây chè, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, nuôi gà an toàn, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, kỹ thuật nuôi cua đồng, cá rô đồng, trồng bưởi Diễn .v.v.... Năm 2014, trước yêu cầu về vùng sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGap (với 5 loại rau cà chua, dưa chuột, cải xanh, cải củ, cải chip) cho nông dân tại các xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn và thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan. Sau khi được tập huấn và thực hành, nông dân đã nắm được quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, chọn hạt giống, ngâm ủ, gieo, tra hạt đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và bảo quản theo quy trình VietGap nên các loại rau sinh trưởng và phát triển tốt, tình trạng sâu bệnh ít hơn so với mô hình trồng rau theo phương pháp truyền thống. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng quy trình kỹ thuật để trồng các loại rau su hào, bắp cải, cải ngồng, súp lơ… vào sản xuất tại gia đình, cung cấp nguồn rau sạch, tươi ngon, an toàn phục vụ cho nhân dân địa phương, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, hướng dẫn cách làm ăn cho 410.849 lượt hội viên, nông dân. Các lớp tập huấn chuyển giao KHKT đã giúp hội viên, nông dân có thêm những kiến thức mới để áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi đúng kỹ thuật, có thể tự phòng, trị một số đối tượng sâu bệnh trên cây trồng và dịch bệnh trên vật nuôi, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh xây dựng Website và phát hành gần 2.000 cuốn bản tin Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hàng quý cấp miễn phí tới 100% chi Hội trong toàn tỉnh, trong đó có chuyên mục “Nhà nông cần biết” đăng tải nhiều bài viết cung cấp những kiến thức KHKT trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên, nông dân. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức KHKT của nông dân trên mạng Internet, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận - TW Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng và khai thác mạng Internet cho gần 1.000 cán bộ, hội viên, nông dân các huyện Nho Quan, Yên Khánh, Gia Viễn, Kim Sơn và thành phố Ninh Bình; phối hợp với Sở Công thương tổ chức tập huấn thương mại điện tử cho hội viên, nông dân. Tại các lớp tập huấn, cán bộ, hội viên, nông dân được tìm hiểu và trực tiếp thực hành các kỹ năng quan trọng trong việc tìm kiếm, trao đổi thông tin trên mạng internet như: kỹ năng truy cập trang thông tin điện tử, đặc biệt là các trang giới thiệu, phổ biến kiến thức KHKT, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, những gương nông dân giỏi tại các địa phương trong cả nước…, kỹ năng tìm kiếm thông tin, gửi và nhận thư điện tử, cách xây dựng một trang website giới thiệu, kinh doanh các mặt hàng trên mạng internet… Nhờ đó,nhiều hội viên, nông dân đã chủ động trong việc tìm kiếm thông tin khoa học - kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, tìm kiếm được nhiều thị trường tiêu thụ.v.v… Đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất và thành công. Điển hình như ông Tống Viết Lư (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô) đã ứng dụng công nghệ che phủ nilon giúp ông thành công với mô hình cà chua trái vụ, rau màu các loại luôn giữ được màu vào mùa mưa, tốn ít phân bón, không mất tiền thuê nhổ cỏ, xới xáo và tưới nước và đảm bảo cho cây trồng có độ ẩm tốt, đem lại thu nhập cho gia đình hơn 500 triệu đồng mỗi năm; ông Trịnh Xuân Kim (xã Kim Mỹ, Kim Sơn) với mô hình chăn nuôi lợn hiện đại, sử dụng hệ thống làm mát, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường cho doanh thu 7,5 tỷ đồng mỗi năm; ông Trịnh Xuân Học (xã Khánh Cư, Yên Khánh) với mô hình V - A - C tổng hợp đa dạng các loại cây trồng, con nuôi, sử dụng giống mới, áp dụng công nghệ đệm lót sinh học, hệ thống thức ăn, nước sạch tự động mang lại hiệu quả kinh tế cao.v.v… Đây là những hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, là hạt nhân trong việc hỗ trợ, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, kiến thức KHKT cho nhiều nông dân, thúc đẩy phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bên cạnh đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong lao động sản xuất trở thành những “nhà sáng chế”, tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều giải pháp sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, chế tạo ra máy nông cụ, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giải phóng sức lao động. Điển hình như: nông dân Đỗ Văn Trường (phường Tân Bình, Thị xã Tam Điệp) đã chế tạo thành công máy bơm nước không ống;  nông dân trẻ Phạm Xuân Cường (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) với sáng kiến về chiếc máy cấy lúa vừa kéo vừa quay không động cơ .v.v…

Để xây dựng tư duy làm ăn mới, xóa bỏ thói quen lạc hậu góp phần hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, đưa nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều đề tài, dự án, mô hình phù hợp với từng địa bàn trong tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: mô hình trồng 30ha khoai lang Nhật Bản tại huyện Nho Quan, các mô hình nuôi con đặc sản ở xã Đông Sơn, Trung Sơn (Tam Điệp), mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Khánh Trung (Yên Khánh), mô hình trồng nấm tại xã Yên Nhân, Yên Thành (Yên Mô), mô hình trồng dưa bao tử theo tiêu chuẩn Vietgap tại xã Mai Sơn (Yên Mô), xã Đông Sơn (Thị xã Tam Điệp), dự án “phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa” tại 2 xã Khánh Tiên, Khánh Lợi (Yên Khánh); mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh), mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Thạch Bình (huyện Nho Quan), .v.v…Qua đó giúp nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thấy được lợi ích của việc áp dụng tiến bộ KHKT, hình thành cho hội viên, nông dân cách tư duy khoa học trong sản xuất, mạnh dạn mở rộng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đã xuất hiện nhiều nông dân tiên phong đi đầu quyết tâm tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.


Các đại biểu thăm mô hình sản xuất dưa bao tử theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Xác định việc liên kết trong sản xuất, kinh doanh có vai trò rất quan trọng, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã ngành nghề, chi Hội ngành nghề để nông dân hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, từng bước xây dựng các thương hiệu hàng hóa trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến tháng 12 năm 2014, Hội Nông dân tỉnh và các huyện đã vận động, hướng dẫn thành lập 75 mô hình kinh tế tập thể trong đó có 7 hợp tác xã, 68 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như: Tổ hợp tác Liên gia chăn nuôi dê xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư); tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây, con đặc sản tại xã Đông Sơn (Thị xã Tam Điệp); tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò, chăn nuôi lợn tại xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh).v.v…Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ban Kinh tế - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể” cho cán bộ, hội viên nông dân cơ sở đồng thời là cán bộ, thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, góp phần phát triển kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo Nhà nông bàn cách làm giàu”, chương trình “Nhịp cầu Nhà nông”, vận động nông dân tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mở rộng thị trường và nâng cao kiến thức trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, số hộ nông dân khá, giàu ngày một tăng, đến nay, toàn tỉnh có 61.080 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, hàng ngàn hộ nông dân được Hội Nông dân giúp đỡ vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực về dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh…các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã góp phần làm thay đổi lối tư duy, tập quán, cách làm cũ, khơi dậy, phát huy tiềm năng sáng tạo, nội lực, ý chí vượt khó vươn lên của nông dân; khích lệ, động viên nông dân mạnh dạn, tự tin áp dụng tiến bộ KHKT và kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, chủ động thích ứng với những biến đổi phức tạp của nền kinh tế thị trường và sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, để từng bước mở rộng sản xuất hàng hóa. Tổ chức Hội đã thực sự trở thành điểm tựa, luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân trên bước đường giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra./. 

Phạm Thị Hường - Ban Tuyên huấn Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình