00:00 Số lượt truy cập: 3234576

Hướng đi mới của VAC ở Hà Tĩnh 

Được đăng : 03/11/2016

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng tỷ trọng kinh tế VAC ở Hà Tĩnh chỉ chiếm 36% tổng thu nhập của hộ nông dân (thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 50%). Chính vì thế, tìm hướng đi mới cho mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại là trăn trở của cán bộ Hội Làm vườn (HLV) Hà Tĩnh.


Sự cấp thiết của một đề án

Vốn là vùng đất khó, cát trắng và gió Lào khô nóng, nông dân Hà Tĩnh thường xuyên phải chịu cảnh mưa gió, bão lụt, nhiều ruộng đồng, hoa màu bị tàn phá chỉ sau một cơn bão. Đoàn cán bộ của Trung ương HLV Việt Nam về thăm mô hình VAC ở Hà Tĩnh đúng những ngày mưa dầm. Nhưng không vì thế mà cuộc hội thảo với chủ đề “Đánh giá thực trạng kinh tế - kỹ thuật VAC Hà Tĩnh và đề xuất giải pháp phát triển” do HLV tỉnh chủ trì giảm đi sự hấp dẫn đối với những người tham dự. Bởi làm thế nào để phát triển hiệu quả mô hình kinh tế VAC, khai thác tốt tiềm năng không chỉ là quan tâm của hội viên HLV mà còn là chủ trương lớn của tỉnh.

Đề án phát triển VAC bền vững của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2010 và 2011 - 2020 đưa ra mục tiêu rất cụ thể: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cung cấp cho thị trường những sản phẩm có thương hiệu, đưa nghề vườn trở thành nghề chính, đồng thời tăng tỷ trọng kinh tế VAC lên trên 50% tổng thu nhập của hộ nông dân vào năm 2015, trên 75% vào năm 2020. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4%/năm để đến năm 2010 còn dưới 20%, năm 2020 là 5%. Ngoài ra, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng và thực hiện chiến lược dinh dưỡng cũng được Đề án chú trọng. ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch HLV tỉnh đánh giá: “Đề án sẽ là cơ sở để kinh tế VAC của tỉnh phát triển theo một hương mới”.

Đến thăm mô hình VACR thuộc phạm vi Đề án của ông Hoàng Ngọc Trà ở thôn 1, xã Cổ Đạm (Nghi Xuân), không khí trao đổi giữa các cán bộ và hội viên rất sôi nổi. Hiện, gia đình ông Trà có gần 300ha bạch đàn, keo, tràm; 1ha ao nuôi baba; 0,5ha ao nuôi cỏ; 7 sào cây ăn quả (1 sào Trung Bộ = 500m2); 1,2ha rau màu. Ngoài ra, ông còn nuôi 50 con trâu, bò, lợn để tận dụng cỏ và phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 100 triệu đồng. ông Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương HLV Việt Nam trao đổi: “Hội viên cần chú ý đến sự đa dạng của mô hình, đặc biệt là khâu kỹ thuật. Xây dựng thành công mô hình đã khó, giữ vững và nhân rộng nó càng khó hơn, do vậy mỗi hội viên phải không ngừng phấn đấu, học hỏi”.

Hướng đi đúng của đề án còn được minh chứng thông qua mô hình trồng cam của ông Hoàng Văn Mai ở xóm Yên Thành, xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên), cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ông Mai cho biết: “Sau nhiều lần tham quan các mô hình ở một số nước, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm làm vườn của nông dân nước bạn. Một trong những yếu tố quan trọng đem lại thành công là sản phẩm phải có thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Những nhân tố đưa kinh tế VAC phát triển

Theo đề án, mỗi huyện, thị phải xây dựng kế hoạch nhân rộng 3 - 5 mô hình/năm; mỗi xã, phường nhân rộng 2 - 3 mô hình. Bên cạnh đó, các mô hình phải xây dựng và thường xuyên báo cáo kết quả sản xuất, kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp kỹ thuật đến Ban điều hành đề án. Sau khi có kết quả, HLV tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chọn, lập danh sách hội viên tham gia, thực hiện nhân rộng mô hình, tổ chức hội thảo, tham quan... Đặc biệt, giữa tổ chức Hội và chủ hộ phải có sự thoả thuận về chuyển giao quy trình hoặc giải pháp kỹ thuật để có sự thống nhất.

Ngoài ra, việc xây dựng mô hình VAC dinh dưỡng, VAC trang trại ở các cấp Hội cũng được xem là yếu tố quan trọng để kinh tế VAC phát triển bền vững. Theo đó, HLV cơ sở sẽ tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền về phát triển VAC và xây dựng một số mô hình theo các khu hệ sinh thái khác nhau, phù hợp với điều kiện địa phương. Ở cấp tỉnh, HLV sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành xây dựng dự án phát triển mô hình VAC ở 3 vùng sinh thái đặc trưng của Hà Tĩnh thuộc xã Lộc Yên (huyện Hương Khê - đại diện cho miền núi), xã Đức Thanh (Đức Thọ - đại diện cho đồng bằng), xã Thịnh Lộc (Lộc Hà - đại diện cho vùng bãi ngang, ven biển).

Theo ông Tình, để nhân rộng một mô hình, cần đầu tư 15 - 20 triệu đồng/năm, xây dựng mô hình mới cấp huyện 20 - 30 triệu đồng, cấp tỉnh 40 - 50 triệu đồng nên HLV Hà Tĩnh rất cần sự tham gia, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành và lãnh đạo các cấp để sớm hoàn thành mục tiêu đề án.

Ông Tình tin tưởng: “Đây là đề án hợp lòng dân vì hiệu quả kinh tế đã thấy rõ. Nhu cầu và xu thế làm vườn hiện nay là cần có sự tác động của khoa học công nghệ. Tôi tin đề án sẽ tạo bước ngoặt đưa kinh tế VAC của tỉnh phát triển bền vững”.