00:00 Số lượt truy cập: 3229700

Hướng mở cho cây rong riềng ở Lực Hành (Yên Sơn, Tuyên Quang) 

Được đăng : 03/11/2016
Tin vui đã đến với người nông dân trồng dong giềng ở Lực Hành: Sản phẩm miến dong của xã đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu hàng hoá. Từ đây sẽ mở ra hướng đi mới cho việc trồng và phát triển cây dong giềng ở Lực Hành.

Xã Lực Hành (Yên Sơn, Tuyên Quang) có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm hơn 50%. Trước đây, do trình độ canh tác còn lạc hậu nên diện tích đất nông nghiệp chủ yếu độc canh cây lúa, diện tích đất bỏ hoang còn nhiều. Thực hiện chương trình giảm nghèo, Lực Hành đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dong giềng vào trồng đại trà. Để tăng giá trị hàng hoá từ cây dong giềng, tỉnh chỉ đạo Chi cục HTX và Phát triển nông thôn đầu tư máy móc cho Lực Hành chế biến dong giềng thành sản phẩm miến dong Lực Hành. Qua đó, tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo bền vững.


Cơ sở sản xuất bột dong giềng của gia đình anh Phạm Đình Cường, thôn Đồng Vàng, xã Lực Hành (Yên Sơn).
Ảnh: Bàn Thanh


Đồng chí Hoàng Minh Châu, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết, toàn xã đã có trên 70 ha dong giềng, năng suất  bình quân đạt 2 tấn/sào trở lên. Tính theo giá thị trường hiện nay, mỗi một kg bột dong giềng có giá từ 8.000 - 12.000 đồng (1 tấn củ làm được 2 tạ bột); trồng dong giềng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Nhiều hộ đã tận dụng tốt những diện tích đất còn bỏ trống của gia đình, trồng dưới tán vườn cây ăn quả… đem lại năng suất và thu nhập cao. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Thông, thôn Đồng Mán; Nguyễn Bá Quân, thôn Đồng Nghiêm… Nhiều hộ dân xã Lực Hành còn tổ chức thu mua dong giềng ở các xã lân cận để sản xuất, chế biến thành bột cung cấp cho thị trường.

Anh Nguyễn Bá Thụ, thôn Đồng Nghiêm vừa trồng dong giềng vừa kết hợp thu mua củ dong giềng để chế biến thành bột. Hiện gia đình anh Thụ đã mua được ô tô làm phương tiện đi thu mua dong giềng phục vụ cho xưởng sản xuất của gia đình. Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Chuyển, dân tộc Tày, thôn Làng Quài đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá nhờ trồng và chế biến dong giềng. Chị Chuyển cho biết: Từ ngày được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách trồng và chế biến dong giềng, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn đồi tạp sang trồng cây dong giềng, mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng với sự hỗ trợ máy móc của Chi cục HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mở xưởng sản xuất chế biến miến dong thành phẩm, không những giúp gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình 2 triệu đồng/người/tháng.

Anh Phạm Minh Thắng, Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi chuyên sản xuất sản phẩm miến dong Hợp Thành cho biết: Kỹ thuật chế biến miến dong không phức tạp, sử dụng được lao động phổ thông. Đây là mô hình thích hợp để sản xuất miến dong tại các xã nghèo vùng cao. Để sản phẩm miến dong có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, năm 2010, Chi cục HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn tất các thủ tục để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận thương hiệu cho sản phẩm miến dong của xã Lực Hành, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phòng Nông nghiệp huyện Yên Sơn còn tổ chức tập huấn cho các hộ nắm được kiến thức về chế biến, bảo quản nông sản, vận hành, sử dụng thành thạo các loại máy trong dây chuyền chế biến miến dong; tổ chức cho 60 hộ đi tham quan, học tập mô hình chế biến miến dong tại tỉnh Bắc Giang. Với giá bán 40.000 đồng/kg (loại I), 35.000 đồng/kg (loại II),  hiện sản phẩm miến dong tiêu thụ rất dễ dàng trong và ngoài tỉnh và đã có mặt ở các Hội chợ Thương mại trong tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao.