00:00 Số lượt truy cập: 2679268

Huyện Gio Linh- Quảng Trị xây dựng thành công mô hình luân canh lạc - dưa trên vùng cát 

Được đăng : 03/11/2016
Vùng cát nội đồng ở vùng Đông Gio Linh (Quảng Trị) có diện tích khá lớn. Thời kỳ trước, đây là vùng khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do nạn cát bay, cát lấp và không có nước để sản xuất.

Gần 10 năm trở lại đây, công tác cải tạo đất bằng cách xây dựng các ô vùng, ô thửa và tiến hành sản xuất nông lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả rất tốt cho môi trường sản xuất của vùng Đông Gio Linh.

Nạn cát bay, cát lấp đã được chế ngự, khả năng giữ độ ẩm trên vùng cát được tăng lên, các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Hải, Trung Giang đã tiến hành sản xuất cho hiệu quả cao với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông lâm kết hợp…

Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên vùng cát phía Đông, huyện Gio Linh đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kết hợp với di dân ra vùng Đông và xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp đưa lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó đáng kể nhất là mô hình luân canh, thâm canh lạc đông xuân và dưa hè thu. 

Trồng dưa vụ hè thu ở vùng KTM An Mỹ, Gio Mỹ, Gio Linh cho hiệu quả kinh tế cao.


Xác định tập đoàn cây trồng trên vùng cát là những loại cây chịu hạn, có giá trị cải tạo đất tốt và điều kiện sinh học phù hợp với vùng cát nên khi xây dựng các mô hình sản xuất ở vùng cát nội đồng, huyện Gio Linh đã chọn các loại cây như khoai lang, sắn, dưa hấu, lạc….

Mô hình lạc đông xuân – dưa hè thu được xây dựng tại vùng kinh tế mới An Mỹ, Gio Mỹ từ năm 2006 với diện tích ban đầu là 5 ha, tiếp tục mở rộng ra các năm tiếp theo và mở rộng ra các vùng cát khác, đến năm 2011 diện tích luân canh lạc – dưa ở vùng cát của huyện đã đạt 30 ha.

Qua kết quả thực tế cho thấy mô hình luân canh, thâm canh lạc đông xuân, dưa hấu hè thu mang lại hiệu quả cao nhất trên vùng cát. Tổng thu hoạch từ mô hình lạc, dưa đạt giá trị từ 80 – 90 triệu đồng/ha/năm. Hiệu quả kinh tế của mô hình lạc đông xuân, dưa hè thu cao gấn 3 lần so với trồng chuyên sắn và cao gấp 2,5 lần so với trồng chuyên khoai lang. Lãi ròng thu được từ mô hình lạc đông xuân, dưa hè thu dao động từ 28 – 47 triệu đồng/ha/năm.

Gia đình ông Hoàng Quốc Sử ra định cư ở vùng kinh tế mới An Mỹ, Gio Mỹ từ năm 2002, gần 10 năm qua, gia đình ông đã sản xuất nhiều loại cây con. Tuy nhiên, thời gian đầu lập nghiệp trên vùng cát, gia đình ông gặp nhiều khó khăn do phải qua quá trình xác định, lựa chọn cây trồng phù hợp.

Hơn 5 năm trở lại đây, gia đình ông Sử đã xác định được mô hình sản xuất phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao là trồng luân canh lạc trong vụ đông xuân và dưa hấu trong vụ hè thu kết hợp với chăn nuôi. Năm 2010, ông Sử trồng chưa tới 0,7 ha lạc vụ đông xuân với giống lạc lỳ Tây Nguyên và ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất đã thu hoạch bán được hơn 22 triệu đồng, đến vụ hè thu ông chọn giống dưa địa phương để trồng và thu hoạch dưa bán được hơn 25 triệu. 

Vụ đông xuân năm 2010- 2011, ông thu hoạch được 1,4 tấn lạc bán được hơn 30 triệu đồng và vụ hè thu này ông đang thu hoạch dưa hấu, dự tính đến cuối vụ gia đình ông thu được tổng giá trị hơn 35 triệu đồng tiền dưa.

Sự thành công của mô hình luân canh lạc đông xuân - dưa hè thu ở vùng Đông của huyện Gio Linh đã thu hút được sự quan tâm của các ban, ngành, tổ chức, chương trình trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đầu tư vốn, từ đó thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, làm cơ sở nhân rộng cho những năm tiếp theo.

Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư kinh phí cho huyện để xây dựng mô hình luân canh lạc – dưa cùng với các mô hình khác xây dựng đề tài ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2009, huyện Gio Linh đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống điện cung cấp cho sinh hoạt và bơm nước tưới trong mùa khô ở các xã vùng Đông đã tạo điều kiện cho sản xuất vùng này phát triển.

Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện di dân ra vùng cát để khai thác tốt tiềm năng của vùng cát. Trên cơ sở kết quả thực hiện các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp ở vùng Đông, tháng 7/2011, huyện Gio Linh đã tiến hành hội thảo và đề ra kế hoạch phát triển vùng cát giai đoạn từ nay đến năm 2015, trong đó mô hình luân canh lạc – dưa sẽ được nhân rộng ra 150 ha trên vùng cát của huyện.

Mô hình trồng lạc trên đất cát vụ đông xuân luân canh với trồng dưa vụ hè thu là một trong những mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là mô hình đã làm thay đổi được cách nghĩ, cách làm của nông dân trong việc bố trí mùa vụ cũng như việc luân canh cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích.

Qua đó cũng mở ra một hướng canh tác nông nghiệp bền vững trên vùng cát để khai thác tốt tiềm năng đất đai và lao động của các địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân vùng cát.