00:00 Số lượt truy cập: 2692184

Huyện Kỳ Sơn - Nghệ An - Trồng cỏ voi, nuôi bò hàng hoá 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 1996 cây thuốc phiện được xoá hoàn toàn tại Kỳ Sơn. Nhiều chương trình dự án đã tập trung vào việc tìm các loại cây, con giống vào trồng thay thế. Bản Phú Quạc II, xã Na Ngoi cũng vậy, bà con đã đưa nhiều loại con giống vật nuôi về nhưng đều không có hiệu quả.

Qua quá trình chọn lọc nhiều loại cây, con, bà con đã quyết định đưa cỏ voi vào trồng để vỗ béo bò. Anh Hạ Giống Chùa là một trong số những người trồng cỏ voi đầu tiên trong bản này. Lúc mới đưa giống cỏ về trồng, có người nói với anh “cỏ của tự nhiên cũng hết mà anh trồng thì chỉ là việc trẻ con chứ làm sao mà đủ để nhốt bò trong chuồng”. Nhưng qua mấy lần đi tập huấn kỹ thuật, cộng thêm tính cần cù, chịu khó của anh và gia đình nên diện tích nương cỏ voi của anh ngày càng tăng lên. Đến năm 2003 thì gia đình anh đã có 3 ha cỏ voi và luôn nhốt trong chuồng 3 con bò thịt, mỗi năm xuất chuồng từ 2-3 lứa. Nhận thấy việc trồng cỏ voi, chăn nuôi bò của anh Hạ Giống Chùa mang lại hiệu quả cao, người dân trong bản Phú Quạc II đã đến học hỏi kinh nghiệm và tập trung vào việc trồng cỏ voi chăn nuôi bò.

Tính đến nay, toàn bản người Mông này đã có 50/52 hộ trồng cỏ voi, đưa diện tích cả bản lên gần 100ha cỏ voi. Nhà nào cũng nhốt trong chuồng từ 2 đến 4 con bò để vỗ béo, bán thành hàng hoá và đã có nhiều hộ thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/năm. Anh Hạ Giống Chùa vừa chỉ tay về phía những đồi cỏ, vừa nói với chúng tôi: “Khi mới xoá xong cây thuốc phiện, trong bản đang chăn nuôi thả rông nên tôi phải mua lưới thép gai về rào rồi mới đưa giống cỏ về trồng và cũng chỉ dám nuôi 2 con bò. Đến nay thì tôi đã trồng được hơn 1 ha cỏ voi và có 9 con bò. Anh em trong bản nhìn thấy tôi trồng cỏ voi chăn nuôi bò có hiệu quả đã đến học hỏi kinh nghiệm và đưa giống cỏ về nuôi”.

Nhận thấy việc trồng cỏ voi chăn nuôi bò không phải vất vả như khi còn trồng cây thuốc phiện mà lại cho thu nhập cao hơn, bà con dân bản Phú Quạc II đã tận dụng tất cả những phần đất không thuận lợi cho việc trồng ngô, trồng lúa để tập trung vào trồng cỏ voi vỗ béo bò theo hướng hàng hoá. Đến nay, bản không còn hộ đói, số hộ nghèo từng bước được đẩy lùi, số hộ làm ăn giỏi ngày một tăng lên, đời sống của bà con đã dần được cải thiện đặc biệt là đã góp phần giải phóng sức lao động cho phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ ở đây đã có thời gian chăm sóc gia đình, con cái và phát huy nghề thêu truyền thống của đồng bào Mông, vừa để mặc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa để bán cho người nơi khác góp phần thêm thu nhập cho gia đình. Với việc trồng cỏ voi vỗ béo bò này, không chỉ là một điểm sáng về việc góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thêm làm giàu cho người dân nơi đây mà còn góp phần giảm tình trạng di cư tự do sang Lào và tình trạng chặt phá, khai thác các nguồn tài nguyên rừng. Anh Hạ Xìa Phổng – Phó chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Bản Phú Quạc II là một trong những bản trồng cỏ voi với diện tích nhiều nhất trong xã và chăn nuôi tập trung nhốt trong chuồng để vỗ béo bán ra thị trường thành hàng hoá. Hiện nay xã Na Ngoi chúng tôi đang có kế hoạch nhân rông mô hình này trên khắp các bản trong toàn xã”.

Đáp lại với những gì mà nhân dân bản Phú Quạc II nỗ lực đạt được, năm 2003 UBND huyện Kỳ Sơn đã quyết định trao tặng danh hiệu Làng Văn hoá cho bản. Đểt xứng đáng với danh hiệu đó, bản Phú Quạc II đang phấn đấu từng bước xoá đói giảm nghèo, tiếp tục nhân rộng hộ khá và giàu.