Tính đến nay, huyện Xín Mần đã có trên 665 ha cỏ phục vụ chăn nuôi trâu, bò. Riêng 10 tháng năm 2007, toàn huyện đã trồng được hơn 152 ha, bình quân đạt 570 m2 cỏ trên một hộ sản xuất nông nghiệp và đạt khoảng 250 m2 cỏ cho một con trâu, bò.
Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng cao của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các Hội, Đoàn thể trong việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành tiêu chuẩn trâu, bò giống và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò, huyện Xín Mần đã triển khai và thực hiện khá tốt chương trình trồng cỏ, gắn với chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chương trình cho vay hộ nghèo (hộ chưa có trâu, bò) mua trâu, bò cái sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu trong thực hiện 2 chương trình này là các hộ nông dân ở các xã Nàn Ma, Trung Thịnh, Ngán Chiên...
Theo kết quả thống kê mới đây, trong thời gian qua, toàn huyện đã giải ngân cho 1.025 hộ nghèo được vay vốn, với tổng số vốn trên 5 tỷ 224 triệu đồng. Qua kiểm tra, các hộ đều đã thực hiện mua trâu, bò phục vụ phát triển chăn nuôi và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, với mức bình quân đạt khoảng 2,25 con/hộ, đồng thời thực hiện bình tuyển và đưa vào quản lý 253 con trâu, bò đực giống. Việc thực hiện tốt chương trình trồng cỏ, phát triển chăn nuôi và cho vay hộ nghèo không những góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 6,5-8%/năm, đồng thời nâng tỷ lệ hộ khá, giàu lên đáng kể mà còn góp phần từng bước nâng cao và cải thiện đời sống nông dân, nhất là những hộ nghèo thiếu tư liệu sản xuất; nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành của huyện, các cấp chính quyền địa phương và khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở, khắc phục tình trạng định hướng không rõ ràng, gây lãng phí nguồn lực và tư liệu sản xuất trong nhân dân. Đặc biệt là huy động được tối đa nội lực trong nhân dân, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tương đối mạnh mẽ, đang từng bước đưa ngành chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế cũng như thu nhập của nhân dân. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi còn nâng cao được hệ số và hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được diện tích đất trống, chuyển những diện tích đất trồng cây có giá trị kinh tế thấp, sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi, bước đầu tạo nền móng cho người nông dân hình thành tư duy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và tập trung chăn nuôi theo mô hình trang trại. Hiện nay, toàn huyện đã có 18 mô hình trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa ở 16 xã với tổng đàn gần 130 con. Mô hình này chủ yếu được các hộ đi mua trâu, bò gầy về chăm sóc vỗ béo, sau đó bán lại cho các lái buôn ở các tỉnh. Tại xã Nàn Ma, nhiều gia đình thường xuyên nuôi từ 10 đến 18 con trâu, bò. Một số hộ ở các xã như Nàn Ma, Bản Díu, Thu Tà đã trồng từ 1-2 ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Thông qua việc thực hiện các chương trình, đã xuất hiện nhiều gia đình có kinh nghiệm hay, cách làm tốt như: Trong khi chưa kịp trồng cỏ hoặc phải giữ giống để nhân rộng diện tích, bà con đã tận dụng diện tích trồng ngô với mật độ dầy hơn, để làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông...
Từ thực tế nêu trên, có thể khẳng định, chương trình hỗ trợ trồng cỏ, cho hộ nghèo vay vốn nuôi trâu, bò đã và đang là những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nói chung và Xín Mần nói riêng, được đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng. Tuy còn đang ở giai đoạn đầu, song đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của đại bộ phận nông dân và đội ngũ cán bộ cơ sở trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các vùng trên địa bàn.