00:00 Số lượt truy cập: 2670284

Kết quả khảo nghiệm giống đậu tương vụ xuân 2009 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ xuân 2009, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia đã tiến hành khảo nghiệm cơ bản 3 giống đậu tương.

Giống DT2008 (Viện Di truyền Nông nghiệp); giống Đ8, ĐT20 (Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ - Viện Cây lương thực và CTP), tại 7 điểm khảo nghiệm ở các tỉnh phía Bắc.

Nhận xét các giống đậu tương

* Đặc điểm hình thái

Các giống khảo nghiệm vụ xuân 2009 thuộc loại hình sinh trưởng hữu hạn, dạng cây đứng, lá hình trứng nhọn. Hạt màu vàng, rốn hạt từ vàng nhạt đến nâu và đen.

* Sinh trưởng phát triển

- Thời gian sinh trưởng: TGST của các giống khảo nghiệm dao động từ 90-104 ngày, giống DT2008 có TGST dài nhất (104 ngày), giống Đ8 có TGST ngắn nhất (88 ngày).

- Chiều cao cây: Giống DT2008 có chiều cao cây cao nhất là 63,6cm, thấp nhất là giống DT84 (42,3cm).

- Số cành cấp 1: Giống DT2008 có số cành cấp 1 cao hơn đối chứng DT96 (2,5 cành), các giống còn lại đều có số cành cấp 1 thấp hơn đối chứng DT96 (2,5 cành) nhưng cao hơn đối chứng DT84 (1,7 cành).

* Nhận xét giống

Giống qua khảo nghiệm 4 vụ

+ Đ8: TGST vụ xuân là 88 – 90 ngày, vụ hè 84 ngày, vụ đông 83 ngày, dạng cây đứng, lá hình trứng nhọn, rốn hạt màu nâu, số quả/cây 24,7 quả, tỷ lệ quả 3 hạt/cây cao (3,2%), khối lượng 1.000 hạt (201g). Năng suất trung bình đạt 20,4 tạ/ha. Giống Đ8 vượt đối chứng 1 có ý nghĩa ở điểm Vĩnh Phúc.

Giống qua khảo nghiệm 2 vụ

+ ĐT20: TGST từ 92 - 95 ngày, dạng cây đứng, lá hình trứng nhọn, hạt màu vàng, rốn hạt màu nâu. Cây sinh trưởng phát triển khoẻ, số quả/cây (29,7 quả), khối lượng 1.000hạt (170g), tỷ lệ quả 3 hạt/cây cao (6,7%). Năng suất vượt đối chứng 2 có ý nghĩa ở điểm Hải Dương, Bắc Giang; Vượt đối chứng 1 có ý nghĩa ở Phú Thọ, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc.

Giống qua khảo nghiệm 1 vụ

+ DT2008: TGST dài nhất (104 ngày), dạng cây đứng, lá hình trứng nhọn,hạt màu vàng, rốn hạt màu đen, cây sinh trưởng phát triển khoẻ, khối lượng 1.000 hạt cao (208g). Năng suất bình quân cao nhất đạt (24,3 tạ/ha) vượt đối chứng 1 có ý nghĩa ở 6/7 điểm khảo nghiệm, vượt đối chứng 2 ở 4/7 điểm.

Kết luận và đề nghị

1. Giống Đ8 đã qua 4 vụ khảo nghiệm, đã đề nghị công nhận cho sản xuất thử.

2. Giống ĐT20 đã qua hai vụ khảo nghiệm cơ bản, có đặc điểm nông học tốt, năng suất vượt đối chứng. Đề nghị tiến hành khảo nghiệm cơ bản kết hợp khảo nghiệm sản xuất.

3. Giống DT2008 khảo nghiệm vụ đầu có môt số đặc điểm nông học tốt, năng suất vượt đối chứng, chịu hạn khá nhưng thời gian sinh trưởng dài đề nghị bố trí khảo nghiệm cùng nhóm dài ngày và ở vùng sinh thái đặc thù để có kết luận chính xác.

Mức độ nhiễm sâu bệnh, tính tách quả và khả năng chống đổ của các giống đậu tương khảo nghiệm

- Mức độ nhiễm sâu bệnh:

+ Bệnh gỉ sắt, sương mai: Các giống khảo nghiệm đều bị nhiễm bệnh gỉ sắt ở mức nhẹ (điểm 1-3).

+ Bệnh đốm nâu: Các giống khảo nghiệm đều bị nhiễm ở mức nhẹ (điểm 1-3).

+ Sâu cuốn lá: Các giống khảo nghiệm có tỷ lệ sâu cuốn lá biến động từ 2,3 đến 5,3%. Giống có tỷ lệ sâu cuốn lá cao nhất là giống DT84 (5,3%), thấp nhất là DT2008 (2,3%).

- Tính tách quả và khả năng chống đổ:

+ Tính tách quả: Các giống khảo nghiệm đều tách quả ở mức độ nhẹ (điểm 1-2).

+ Khả năng chống đổ: Các giống khảo nghiệm có khả năng chống đổ trung bình điểm 1-2. Riêng giống DT2008 cao cây khả năng chống đổ yếu (điểm 2-3).

Ghi chú:

- Đánh giá mức độ nhiễm sâu bệnh trên đồng ruộng có sử dụng thuốc BVTV.

- Bệnh gỉ sắt, bệnh sương mai, bệnh đốm nâu, bệnh lở cổ rễ theo thang điểm 1-9: Điểm 1: không bị bệnh; điểm 3: 1-5% diện tích lá, số cây bị bệnh...; điểm 9: >50% diện tích lá, số cây bị bệnh.

- Tính tách quả: Điểm 1: không có quả tách vỏ; điểm 2: <25% số quả tách vỏ...; điểm 5: > 75% số quả tách vỏ.

- Tính chống đổ: Điểm 1: hầu hết các cây thẳng đứng; điểm 2: <25% số cây bị đổ rạp...; điểm 5: >75% số cây bị đổ rạp