Cùng với kinh tế vườn, thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bến Tre. Từ nhiều năm qua, nhất là trong 5 năm trở lại đây, thủy sản luôn được tỉnh quan tâm và tạo điều kiện đầu tư phát triển đúng hướng.
Đa dạng hóa các đối tượng nuôi
Hiện nay, các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh gồm cá tra, tôm càng xanh ở vùng nước ngọt; tôm sú, tôm chân trắng ở vùng nước lợ, mặn; nghêu, sò ở vùng bãi ven biển. Sản phẩm nuôi chủ yếu được cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Tôm sú là đối tượng nuôi có giá trị cao nhất của tỉnh, gồm các hình thức nuôi thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm xen rừng, tôm xen lúa. Trong những năm qua, nghề nuôi tôm sú ở Bến Tre phát triển khá ổn định, không có dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bệnh trên tôm sú nuôi thâm canh được khống chế dưới mức 10% diện tích thả nuôi (riêng năm 2009 chiếm 3% năm, năm 2010 chiếm 5%). Tôm chân trắng là đối tượng mới bắt đầu phát triển ở Bến Tre với hình thức nuôi thâm canh. Diện tích thả giống năm 2009 là 260 ha, năm 2010 là 510 ha; mật độ thả giống bình quân 120 con/m2, năng suất bình quân 10 tấn/ha mặt nước. Nhìn chung, đây là đối tượng mới, các cơ sở nuôi tiếp cận chưa nhiều nên trình độ kỹ thuật còn hạn chế, bệnh trên tôm nuôi khá nhiều (năm 2009 chiếm 24,6%, năm 2010 chiếm 13% diện tích thả giống). Cá tra thâm canh tập trung ở vùng bãi bồi, cồn nổi ven sông. Mật độ thả giống bình quân 35 con/m2, năng suất bình quân 300 tấn/ha mặt nước nuôi. Kỹ thuật nuôi khá tốt, chất lượng thịt trắng chiếm tỷ lệ cao. Khó khăn lớn nhất đối với nghề nuôi cá tra hiện nay là giá thành nguyên liệu cao, nhưng giá bán cá tra nguyên liệu không tăng nên hiệu quả nuôi rất thấp. Nhuyễn thể tập trung ở vùng bãi bồi ven biển, hình thức quản lý là hợp tác xã (HTX). Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 HTX quản lý khai thác nghêu, đa số các HTX hoạt động đạt hiệu quả khá cao. Đặc biệt, với hình thức quản lý này, cùng với sự tác động từ Nhà nước thông qua các quy định về bảo tồn nguồn lợi, nguồn lợi nghêu Bến Tre ngày càng phục hồi. Tôm càng xanh được nuôi xen trong mương vườn dừa, ruộng lúa ở vùng ngọt hóa. Tuy năng suất, sản lượng không cao nhưng tôm càng xanh ít dịch bệnh, chi phí thấp, hiệu quả khá cao.
Đầu tư đúng mức cho nghề khai thác, chế biến
Công tác quản lý, đóng mới, cải hoán, đăng ký, đăng kiểm tàu cá được thực hiện khá chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi hoạt động. Công tác chứng nhận xuất khẩu thủy sản khai thác vào thị trường châu Âu được triển khai tốt. Đến nay, ngành đã tổ chức được 50 lớp tập huấn với gần 1.700 người tham dự; triển khai cấp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác đạt 60% tổng số tàu toàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành khai thác thủy sản. Hai cảng cá Ba Tri và Bình Đại được phát huy, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả ngành khai thác của tỉnh. Cảng cá Thạnh Phú, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá huyện Bình Đại đang được đầu tư; đang triển khai lập dự án mở rộng Cảng cá Bình Đại. Hiện, toàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế 60 ngàn tấn/năm. Các nhà máy chế biến cá tra đều có xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình (tối thiểu 50% công suất nhà máy). Nhà máy thực hiện tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật như HACCP, GMP, ISO, truy xuất nguồn gốc… đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ. Đặc biệt, hiện nay có hai nhà máy đã được nâng cấp chứng nhận MSC CoC đối với con nghêu Bến Tre và GlobalGAP cho vùng nuôi cá tra của nhà máy.
Để nghề thủy sản phát triển mạnh, đa dạng hơn, tỉnh cần gắn qui hoạch với nâng cao chất lượng và hiệu quả, phát huy lợi thế từng vùng gắn với thị trường; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống thủy sản trong tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến các sản phẩm mới, giá trị gia tăng, xây dựng chuỗi liên kết phát triển bền vững; xây dựng và quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm chủ lực như: GlobalGAP đối với vùng nuôi cá tra, MSC đối với sản phẩm nghêu để mở rộng sản xuất và thị trường xuất khẩu; xây dựng và phát triển mạnh mẽ các loại hình quản lý theo hình thức cộng đồng, đặc biệt là các mô hình đồng quản lý, nhằm phát huy tốt vai trò của cộng đồng tham gia hoạt động thủy sản; tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó đầu tư thủy lợi là giải pháp trọng tâm, cấp thoát nước thông thoáng cho các vùng nuôi thủy sản tập trung.