Khánh Hòa: Tìm "Đầu ra" cho gà công nghiệp
Được đăng : 03/11/2016
Không phải ngẫu nhiên mà xã Diên Lộc (Diên Khánh, Khánh Hòa) lại hình thành một tổ liên kết (TLK) về chăn nuôi và tiêu thụ gà công nghiệp (CN-TTGCN). Sau 1 năm thành lập, TLK đã gặt hái được nhiều thành công trong việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm.
Người tiên phong
Trở lại xã Diên Lộc - Khánh Hòa lần này, chúng tôi gặp lại anh Đặng Ngọc Sơn (nông dân thôn Đảnh Thạnh) - người được xem là tiên phong trong mô hình TLK. Anh Sơn xuất thân từ gia đình bần nông. Năm 1982, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Lúc này, tình hình kinh tế nông nghiệp rất khó khăn. Nông dân chỉ độc canh cây lúa, hàng ngày đối mặt với cảnh thiếu ăn, mất mùa, dịch bệnh. Với một người vừa xuất ngũ như anh Sơn không biết phải làm gì để vươn lên. Với suy nghĩ: Làm để học hỏi và rút kinh nghiệm, anh đã thử nhiều mô hình mà mọi người đã từng làm như: nuôi cá trê lai, gà quây lưới; kinh doanh, làm dịch vụ ở nông thôn… nhưng tất cả đều không đạt kết quả như mong muốn. Thất bại không làm anh nản lòng. Năm 2005, mô hình nuôi gà công nghiệp CP ra đời. Anh Sơn nhận thấy đây là mô hình phù hợp với nông dân, bởi “đầu vào” và “đầu ra” đều được công ty lo, người nuôi chỉ đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại ban đầu. Anh thử bắt đầu với trại nuôi 4.000 con gà. Sau 1 năm, anh phát triển lên 2 trại với 8.000 con. Đang hy vọng đây là mô hình “đổi đời” thì dịch cúm gia cầm xuất hiện, “cướp” đi toàn bộ số vốn và lãi mà anh mới gầy dựng; phía công ty cũng cắt hợp đồng bao tiêu sản phẩm, khiến anh càng chới với. Một lần nữa anh quyết làm lại từ đầu. Chương trình phát thanh nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam bỗng đem lại cho anh tia hy vọng. Qua Đài, anh tìm ra một công ty chăn nuôi liên doanh với nước ngoài tại Long An (chuyên sản xuất con giống và thức ăn) để tiếp tục mô hình cũ, chỉ có điểm khác trước là toàn bộ “đầu vào” và “đầu ra” anh phải tự lo. Không có vốn, anh phải đi vay ngân hàng, mượn thêm tài sản của người thân để thế chấp. Đến nay, qua nhiều năm sản xuất theo hướng này, anh luôn có trong tay 2 trại gà với 8.000 con/lứa (4 lứa gà/năm). Cùng với các nguồn thu nhập khác, mỗi năm, anh lãi ròng 100 triệu đồng, giải quyết 4 lao động thường xuyên với mức lương 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình tổ liên kết
Cùng với bước đường đi lên của anh Sơn, xã Diên Lộc cũng hình thành nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp (GCN). Đến nay, toàn xã đã có 13 trang trại chăn nuôi gà. Cái khó của chăn nuôi GCN là “đầu ra” cho sản phẩm. Với chăn nuôi công nghiệp, sản phẩm tạo ra hàng loạt, người nuôi gà thường “đụng đầu” nhau. Sản phẩm dư thừa, tư thương ép giá làm người nuôi lâm vào cảnh “bán đổ bán tháo”, càng cố giữ càng lỗ nặng vì chi phí thức ăn. Thấm điều đó, anh Sơn đã bàn bạc với các chủ trại xây dựng TLK CN-TTGCN và được UBND xã chấp nhận, có quyết định thành lập. TLK đã xây dựng quy chế hoạt động và lập hợp đồng liên kết. Đại diện TLK ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số tư thương trên địa bàn để ổn định “đầu ra”. TLK gồm 8 thành viên, mỗi thành viên hiện sở hữu 1 trang trại nuôi GCN với quy mô từ 4 - 5 ngàn con/lứa (bình quân 4 lứa/năm). Để tránh cạnh tranh không lành mạnh, TLK sắp xếp lịch nhập gà con vào từng trại theo thứ tự, phù hợp với tình hình thị trường để không lo ứ đọng sản phẩm. Ngoài ra, TLK còn định ra thời gian và nội dung sinh hoạt phong phú để các thành viên bàn bạc, chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm trong sản xuất. Đáng chú ý, TLK đã thống nhất mỗi trại đóng góp 5 triệu đồng cho các thành viên mượn không tính lãi. Ngoài ra, tổ còn huy động từ 50 - 70 triệu đồng vốn nhàn rỗi của những thành viên đã xuất bán gà để cho thành viên khác mượn làm vốn lưu động trong sản xuất, thời gian 15 - 20 ngày sau khi xuất bán gà xong sẽ hoàn vốn cho TLK. Ngoài ra, TLK còn tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các hộ nuôi gà tiên tiến tại nhiều địa phương có phong trào mạnh như: Cam Ranh (Khánh Hòa), Xuân Lộc (Đồng Nai)...
1 năm sau ngày thành lập, TLK đã sản xuất được 24 lứa gà, cung cấp cho thị trường 240 tấn gà hơi; trừ chi phí, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/trại/năm. Thành công lớn nhất của TLK là không còn tình trạng tranh mua, tranh bán, sản phẩm làm ra được “phân luồng” ổn định. Vì vậy, các thành viên trong tổ an tâm sản xuất.