Khi vùng chè ở Quảng Ninh “sống” lại
Được đăng : 03/11/2016
Sau hơn một năm lao đao vì chè rớt giá, thậm chí không tiêu thụ được; nay vùng chè Hải Hà như “sống” lại. Đi đâu cũng thấy tiếng vo vo ngày đêm của những chiếc máy sao chè mi ni ở nhiều hộ dân. Trên những vườn chè đang vào độ chính vụ, người dân hối hả hái những búp chè non.
Trong cơn bĩ cực
Nhìn không khí sôi động của vùng chè Hải Hà vào thời điểm này, người trồng chè nơi đây càng thêm nhớ những ngày lao đao, khốn khó. Cây chè vốn đã tồn tại và phát triển ở huyện Hải Hà gần 50 năm qua. Đây là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Tính đến hết năm 2009, toàn huyện Hải Hà có khoảng 2.000 hộ dân trồng chè, trong đó có 90% số hộ thu nhập chính từ cây chè. Chè được xác định là cây xoá đói giảm nghèo, cây kinh tế mũi nhọn của huyện. Tuy nhiên, với những tác động của kinh tế thị trường cùng với những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, cuộc sống của người trồng chè ở Hải Hà luôn bấp bênh. Thời điểm chìm nổi nhất là giữa năm 2008 cho đến gần cuối năm 2009, dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp chế biến chè lâm vào tình cảnh bị phá sản, khiến vùng nguyên liệu chè ở Hải Hà cũng chịu chung cảnh “khóc dở mếu dở”, vì không tiêu thụ được.
Kể về thời kỳ khốn đốn đó, chị Nguyễn Thị Hiệp, thôn 5, xã Quảng Long bỗng thấy bùi ngùi: “Lúc đó thật khổ, tiền phân bón, vật tư, chi phí nhân công cao, giá chè tươi mỗi cân lại chỉ được 2.000-2.500 đồng, tính ra lỗ tới gần 2.000 đồng/kg. Thậm chí hái ra còn không bán được khiến ai cũng ngán ngẩm. Xã tôi còn đỡ vì nhiều hộ có máy sao chè mi ni, tự làm chè sơ chế để bảo quản, tiêu thụ; chứ ở những xã bên như Quảng Thịnh, Quảng Đức, người dân để chè hoang hoá hoặc dỡ bỏ trồng cây khác”. Trên thực tế cũng đã có hàng chục ha chè đang trong giai đoạn kinh doanh và kiến thiết cơ bản bị bỏ không. Ông Lê Nhữ Cường, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Chè chỉ cần bỏ một vài vụ không chăm sóc, chất lượng sẽ giảm đi rất nhiều”.
Trước nguy cơ vùng chè rơi vào hoang hoá do người dân bỏ không chăm sóc, hoặc đốn hạ, gây nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng, huyện đã có ngay các giải pháp để “cứu” vùng chè. Các xã, các ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền vận động nhân dân về khả năng phục hồi kinh tế để người dân giữ lại và chăm sóc diện tích chè hiện có. Đồng thời tiếp tục tăng diện tích trồng mới, hoàn thành chỉ tiêu phát triển 1.000 ha vùng nguyên liệu chè đến năm 2010 theo kế hoạch của tỉnh. Ngoài 12 triệu đồng/ha chè trồng mới do tỉnh hỗ trợ, trong năm 2009, huyện còn hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/ha chè trồng mới cho bà con. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân bằng cách cố gắng thu mua chè nguyên liệu, nâng giá thu mua; thu hút vốn nước ngoài đầu tư hỗ trợ bà con chế biến chè. Trong năm 2009, dự án Tây Ban Nha (Dự án Phát triển nông thôn theo vùng lãnh thổ) đã hỗ trợ 4 máy sao chè mi ni cho các gia đình các ông, bà Đào Thị Bính, Trịnh Thị Đào (ở xã Quảng Thịnh); Nguyễn Đình Hừu (xã Quảng Thành), Trần Sĩ Dũng (xã Quảng Long) với công suất sơ chế khoảng 3 tấn/máy/ngày. Những hộ được hỗ trợ này giúp người dân trồng chè bao tiêu nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng đầu tư tự mua máy sao chè mi ni để sơ chế, bảo quản chè. Ngay tại Quảng Long, xã chiếm diện tích chè lớn nhất trên địa bàn huyện (470 ha chè), trung bình cứ 4 hộ trồng chè thì 1 hộ có máy sao chè. Còn với Công ty TNHH Thuấn Quỳnh, một doanh nghiệp lớn trên địa bàn về chế biến chè đã tham gia tích cực bảo vệ vùng nguyên liệu chè bằng cách duy trì thu mua chè cho bà con, mặc dù vào thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, việc chế biến, kinh doanh chè không có lãi; thậm chí, mỗi kg chè tươi thu mua, doanh nghiệp phải bù lỗ 500 đồng, mỗi kg chè khô bù lỗ 2.000 đồng...
Niềm vui ngày mới
Sự nỗ lực của huyện, doanh nghiệp và bản thân người dân đã giúp vùng chè Hải Hà vượt qua cơn sóng gió. Cho đến thời điểm này, diện tích chè của toàn huyện đã đạt 980 ha, trong đó khoảng 500 ha giống chè chất lượng cao như LDP1, LDP2; 70 ha loại chè: Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Ô Long, Ngọc Thuý... Trong số 980 ha chè hiện có thì phần lớn diện tích đã cho thu hoạch... Bởi vậy khi chè bắt đầu phục hồi, tiêu thụ được, từ cuối năm 2009, giá chè ngày một lên cao, Hải Hà không còn rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu nữa.
Vào thời điểm này, khi mà những đồi chè đang vào độ thu hoạch chính vụ, đến những xã trồng chè của Hải Hà như: Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Thành, Quảng Thắng lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những người hái chè với gùi, bao tải đeo, giắt sau lưng trên những đồi chè. Tôi đến xã Quảng Long (cách thị trấn huyện 7km) vào cuối giờ chiều tranh thủ lúc không bị cắt điện, các hộ dân đều tất bật sao chè. Tiếng máy sao, máy vò chè chạy vo vo xao động cả thôn xóm. Anh Đỗ Thành Viên ở thôn 5 lúc này vẫn cặm cụi bên chiếc máy sao chè. Anh bảo: “Điện dạo này bị cắt liên tục nên có điện lúc nào phải làm lúc đó. Mỗi ngày gia đình tôi sao 5 tạ chè tươi thì cho 1 tạ chè khô, sơ chế đến đâu, bán hết luôn”. Hiện gia đình anh Viên có 1 mẫu chè, mỗi vụ cho thu hoạch 2,5 tạ chè tươi. Vào đợt này chè tiêu thụ mạnh, để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình anh đi thu mua thêm chè của các hộ trong xã, thậm chí có lúc phải lên tận xã Quảng Thịnh để mua nguyên liệu chè tươi. Mỗi kg chè khô hiện có giá 38.000 đồng. Từ cuối năm 2009 đến nay, nhờ thu hái, sao chè bán, thu nhập gia đình anh cũng có một khoản kha khá. Rời nhà anh Viên, tôi bị thu hút bởi tiếng trò chuyện râm ran của bà con ở những nương chè. Lúc này bóng mặt trời đã chếch núi, song trên các nương chè vẫn nhộn nhịp người. Chị Đỗ Thị Hoàn ở xã Quảng Long cho biết: “Bây giờ chè tiêu thụ dễ dàng, lại đang vào chính vụ nên bà con tranh thủ hái cả ngày. Mỗi cân chè tươi được 4.500 đồng. Gia đình tôi có 7 sào chè, thu hoạch vụ này cũng được. So với nhiều hộ dân ở đây còn ít, có nhà tới vài mẫu”. Để giúp đỡ lẫn nhau, các hộ dân đổi công lao động bằng cách 4-5 hộ tập trung nhân lực thu hái chè cho một gia đình, hôm sau lại chuyển thu hái cho gia đình khác. Gia đình nào có diện tích quá lớn thì thuê thêm nhân công. ở xã Quảng Long, phần lớn người dân đều trông chờ vào thu nhập từ cây chè. Người dân ở nhiều xã khác cũng lấy chè làm nguồn thu nhập chính. Chè cho thu hoạch kéo dài từ tháng giêng đến tháng 9 âm lịch, mỗi tháng 2 vụ. Đến tháng 9 âm lịch, người dân đốn hạ cây thấp xuống để phát triển tán cây, sau 2 tháng đốn, cây lại ra mầm cho thu hoạch. Đây chính là những lứa chè thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
Khi trời chạng vạng, hàng chục người dân, người thì xe máy, kẻ xe đạp chở những bao chè tươi mới hái đổ về Công ty TNHH Thuấn Quỳnh để bán. Mùi nhựa chè thơm sực không gian. Có người ở mạn Quảng Đức đến, người ở Quảng Thịnh, Quảng Thành sang. Công suất các máy sao chè của doanh nghiệp mỗi ngày chế biến được khoảng 20-25 tấn chè khô, nên bao nhiêu chè bà con mang đến, doanh nghiệp cũng thu mua. Nhìn cảnh mua bán diễn ra tấp nập khiến tôi vui lây cùng bà con. Cô Phạm Thị Nguyệt ở thôn 5, xã Quảng Long, tâm sự: “Chỉ lo đến một lúc nào đó, chè lại rơi vào khó khăn như những dạo trước...”.
Được biết, huyện Hải Hà đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp quảng bá xây dựng thương hiệu chè; nâng cấp hoạt động chế biến chè để tăng chất lượng. Toàn huyện hiện còn khoảng 40% diện tích chè giống cũ (chè trung du lá nhỏ) trồng từ những năm 70-80 nên chất lượng, năng suất không cao. Huyện đã có chủ trương thay thế dần diện tích chè giống cũ bằng chè giống mới có chất lượng cao; mở các lớp tuyên truyền tập huấn cho bà con về sản xuất chè an toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... thu hút thêm doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ chè có chất lượng cao như: Chè Ô Long, chè Đen, nước chè... Mặc dù vậy, thực tế hiện nay ngoài địa bàn Hải Hà và Đầm Hà, còn ở các huyện, thị, thành phố khác của tỉnh, rất ít thấy các đại lý, cửa hàng bán sản phẩm chè của Hải Hà... Ngay như tại Siêu thị Hạ Long, chè khô, chè ô Long chất lượng cao bày bán cũng chủ yếu là của các doanh nghiệp ở Cao Bằng, Thái Nguyên... Bởi vậy, việc tạo chỗ đứng cho thương hiệu chè Hải Hà ngay trong tỉnh tiến tới mở rộng dần ra trong nước và thị trường nước ngoài là điều mà lãnh đạo huyện Hải Hà và các doanh nghiệp nên phải sớm quan tâm tìm giải pháp...