Trong lúc nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác đang bấp bênh về giá và đầu ra thì cây khoai lang đã mở hướng đi mới cho nông dân.
Được mùa, được giá
Theo ông Nguyễn Văn Nho (xã Tân Quới, huyện Bình Tân, Vĩnh Long), nếu như những năm trước giá khoai lang chỉ ở mức 2.000 - 3.000 đ/kg thì năm nay giá đã tăng vọt lên 6.000 đ/kg. Nhà ông Nho có 10 công ruộng trồng khoai lang tím, dự kiến khi thu hoạch sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nếu trừ chi phí đầu tư hơn 40 triệu đồng cho 10 công ruộng, ông còn lời xấp xỉ 150 triệu đồng. Ngoài việc bán củ, ông Nho còn bán dây (để người khác trồng) với thu nhập 1 - 2 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Nam (xã Thành Đông, huyện Bình Tân) có 5 công ruộng trồng khoai lang, vừa thu hoạch bán được trên 70 triệu đồng. "Ngoài việc trả được nợ những vụ trước đây, gia đình tôi còn có tích lũy chút đỉnh" - ông Nam nói giọng phấn khởi.
Còn tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang), chỉ riêng năm 2008, ông Đỗ Quý Hạo (Doanh nghiệp tư nhân Ba Hạo) đã đầu tư sản xuất 100 ha khoai lang, trong đó chủ yếu là khoai lang đỏ và tím. Đến thời điểm này, ông đã thu hoạch được 50% diện tích với giá bán bình quân 6.000 đ/kg khoai tím và 3.000 đ/kg khoai đỏ.
Hầu hết khoai lang sau khi thu hoạch tại một số tỉnh ở ĐBSCL đều được thương lái xuống tận ruộng thu mua, sau đó xuất sang Trung Quốc, chỉ lượng nhỏ tiêu thụ ở thị trường trong nước. "Các thương lái ở Lạng Sơn, Móng Cái vào tận ruộng để mua, thậm chí nhiều thương lái người Trung Quốc đến tận nơi mua chở đi. Thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu" - ông Hạo cho biết.
Ông Huỳnh Văn Kha (thương lái tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết năm nay nhu cầu của các khách hàng Trung Quốc tăng cao. Bình quân mỗi ngày ông xuất 30 tấn với giá 6.000 đ/kg. Theo ông Kha, sở dĩ giá khoai tăng đột biến như vậy là do cung không đủ cầu bởi nhu cầu của khách hàng Trung Quốc rất lớn.
Hướng đi mới cho nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Trí - cán bộ tổng hợp Phòng nông nghiệp huyện Bình Tân, không chỉ được giá, nông dân năm nay còn được mùa khoai với sản lượng bình quân mỗi công đều tăng. Đặc biệt, so với các loại cây nông nghiệp khác đang được canh tác trên địa bàn huyện thì khoai lang có giá trị kinh tế gấp hàng chục lần với thu nhập bình quân 22 - 24 triệu đồng/công.
Tương tự, ông Bùi Hùng Thường - Phó Phòng nông nghiệp huyện Hòn Đất (Kiên Giang) - cho biết so với các loại cây trồng khác tại địa phương như lúa, khoai mì hay mè, cây khoai lang có giá trị kinh tế cao hơn cả.
Tuy nhiên, bài học về khủng hoảng "cung - cầu - giá", chạy theo phong trào của con cá ba sa hay các loại nông sản khác như lúa, trái cây... cũng khiến các địa phương lo ngại. Ông Trí cho hay hiện diện tích khoai lang toàn huyện trên 3.400 ha. Theo quy hoạch trong vài năm tới, diện tích này sẽ được tiếp tục mở rộng nhưng khống chế ở mức 4.000 - 5.000 ha nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá bị tụt, sản phẩm làm ra không có người mua. Đó là biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.
Sau khi mua khoai ngoài ruộng đem về vựa, khoai lang sẽ được quạt cho khô đất sau đó đóng vào thùng giấy (20 kg/thùng) và xuất thẳng sang Trung Quốc. Những thương lái không có vựa sẽ chở khoai về các vựa ở Bình Minh (Vĩnh Long) hay Cái Bè (Tiền Giang) để đóng thùng trước khi xuất đi.