Đầu tư vốn phát triển làng nghề Làng nghề chổi đót ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng những ngày này tấp nập người, xe ra vào. Quy mô của làng nghề không còn bó hẹp trong thôn mà mở rộng ra các thôn lân cận như Mỹ Hòa, Đông Lộc, thu hút trên 500 lao động tham gia. Thị trường tiêu thụ vươn ra các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Có hộ còn mở văn phòng đại diện tại Bình Thuận để tiện việc giao dịch với khách hàng. Ông Phan Văn Phong, người dân thôn Mỹ Thành cho biết: “Làm nghề bó chổi đót có thời điểm cần số vốn lớn lên đến hàng tỉ đồng. Để có đủ vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chúng tôi chạy vạy khắp nơi. Trong đó, HTX là kênh vốn mà chúng tôi thường xuyên tìm đến. Tuy mức vay không lớn, nhưng bù lại thủ tục đơn giản, lãi suất không cao”. Bà Võ Thị Tuyết Nga chỉ có vài sào ruộng, thu nhập không đủ trang trải các khoản chi tiêu. Tranh thủ lúc nông nhàn, bà vay của HTX 10 triệu đồng mua đót về bó chổi. Với ba lao động trong gia đình vừa làm chổi, vừa lo việc đồng áng, mỗi tháng cũng cho thu nhập hơn 1 triệu đồng. Cùng với hộ ông Phong, bà Nga, nhiều xã viên của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2 đã làm ăn khấm khá nhờ nguồn vốn của HTX. Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ nhiệm HTX cho biết, 70% lao động tại làng nghề chổi đót là xã viên của HTX. Để giải quyết việc làm cho xã viên, HTX đầu tư gần 500 triệu đồng cho những người làm nghề chổi đót, mức vay từ 10-40 triệu đồng/hộ, lãi suất 1%/tháng, thời hạn vay từ 6 tháng đến 3 năm. Trong thời buổi suy thoái kinh tế, thị trường lao động bị thu hẹp thì việc hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho xã viên và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề là hết sức cần thiết”, ông Chín nói. Giảm chi phí sản xuất cho xã viên Ngoài việc đầu tư vốn phát triển làng nghề chổi đót, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2 còn dành khoản vốn 800 triệu đồng mua các loại vật tư nông nghiệp về phục vụ nhu cầu sản xuất của xã viên. Trong đó, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là hai loại vật tư mà HTX ưu tiên hàng đầu. HTX áp dụng hai hình thức bán bằng tiền mặt hoặc bán nợ. Thời hạn bán nợ tối đa 4 tháng, giá bán chốt ở thời điểm giao vật tư và thấp hơn 5% so với giá thị trường. Vụ hè thu năm nay, có trên 65% hộ xã viên mua phân bón tại HTX. Ông Nguyễn Kim Hùng ở thôn Mỹ Hòa có 0, 5ha lúa, mỗi vụ sản xuất phải sử dụng một lượng lớn phân bón và thuốc trừ sâu các loại. Số tiền để mua phân, thuốc trừ sâu lên gần 6 triệu đồng/vụ. Nhưng từ khi mua phân bón của HTX, chi phí giảm đáng kể. ông Hùng cho biết, mỗi bao phân mua tại HTX thấp hơn giá thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng, nếu mua chịu cũng không tính lãi trong khi mua nợ tại các đại lý thì đến cuối vụ, số tiền lãi lên đến gần 1/3 nợ gốc. Ông Chín cho biết, việc kinh doanh vật tư nông nghiệp chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất của xã viên chứ không vì mục đích lợi nhuận. Để có đủ nguồn vốn đầu tư cho xã viên phát triển sản xuất, ngoài nguồn vốn tự có, HTX còn vay thêm 400 triệu đồng từ gói kích cầu của Chính phủ. Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp HTX giảm được áp lực về lãi suất và tạo việc làm cho xã viên. Hiện HTX đang tiếp tục lập danh sách những hộ xã viên có nhu cầu vay vốn theo Quyết định 497/2009 của Thủ tướng Chính phủ để mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Theo ông Chín, chỉ có vốn lãi suất thấp mới giúp bà con phát triển sản xuất và tăng thu nhập. HTX sẽ tạo mọi điều kiện để nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Ông Nguyễn Ngọc Căn, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên cho biết, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2 là một trong số ít HTX ở Phú Yên tiếp cận được nguồn vốn kích cầu của Chính phủ và cũng là HTX triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ xã viên mang lại hiệu quả cao. |