Nhiệt độ là yếu tố có quan hệ rất chặt chẽ đến sự ra hoa, kết quả của cây vải, nhất là cây vải thiều.
Trong năm, ở các vùng trồng vải thiều phải có một thời kỳ nhiệt độ hạ thấp tạo điều kiện ức chế mầm mùa đông, tích lũy chất dinh dưỡng cho cành thu và xúc tiến quá trình phân hóa mầm hoa của cây. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã cho thấy để có cây vải phân hóa mầm hoa được tốt, cần có tối thiểu 200 giờ nhiệt độ môi trường không cao hơn 7,20C trong mùa đông. Nhiệt độ cao là yếu tố chủ yếu khiến cho các cây vải trồng ở các tỉnh phía Nam (từ Hà Tĩnh trở vào) mặc dù sinh trưởng rất tốt song ít khi ra hoa, đậu quả, quả cũng thường rất bé. Nhìn chung, năm nào mùa đông lạnh thì các vùng trồng vải của ta vải thường được mùa, ngược lại nếu mùa đông ấm thì cây vải thường chỉ có lá mà ít có quả. Nước cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình phân hóa mầm hoa của cây vải. Trong mùa đông nếu có một thời kỳ hạn ở mức vừa phải thì sẽ hạn chế được cây ra lộc đông, tạo điều kiện cho cây quang hợp, tích lũy được các chất dinh dưỡng và xúc tiến quá trình phân hóa mầm hoa. Tuy nhiên, khi cây đã có hoa, cây lại rất cần nước. Đối với sự phát triển của cây thì quá trình phát triển lộc thu và lộc đông ảnh hưởng rất mạnh đến sự ra hoa, kết quả của cây vải. Lộc thu thường mọc vào khoảng tháng 6-7 (nếu vụ trước cây ít quả hoặc mất mùa) và tháng 8-10 (trong điều kiện bình thường và cây phát triển tốt). Từ các đợt lộc này sẽ phát triển thành các cành mẹ. Đây là loại cành quan trọng nhất trên cây vải để có thể phân hóa mầm hoa và ra hoa kết quả cho năm sau. Còn lộc đông (mọc vào khoảng tháng 11-12) không những phần lớn không cho quả vào năm sau mà còn tác động rất xấu đến quá trình phân hóa mầm hoa của cây ngay trong năm đó. Vì vậy việc bồi dưỡng cho cành thu ra nhiều, mọc khỏe và hạn chế tối đa việc phát triển lộc đông là một việc làm rất cần thiết đối với người trồng vải. Kinh nghiệm trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cho thấy ngay cả những năm thời tiết bất thuận, những gia đình nào khống chế triệt để được lộc đông thì vẫn có thể được năng suất và sản lượng cao. Ngược lại nếu để lộc đông ra nhiều thì ngay cả khi thời tiết thuận lợi vải vẫn ra ít quả. Có rất nhiều loại thuốc hóa học kích thích quá trình ra hoa đậu quả của cây ăn quả nói chung và cây vải nói riêng. Tùy từng điều kiện cụ thể mà sử dụng loại này hay loại khác cho thích hợp. Để hạn chế lộc đông và xúc tiến quá trình phân hóa mầm hoa của vải thiều có thể sử dụng Ethrel phun với nồng độ 0,04-0,05% hoặc kết hợp Ethrel (nồng độ 0,005-0,04%) với B9 (Diaminozide-nồng độ 0,1-0,12%) phun cho cây khi lộc đông mới nhú. Ethrel là loại hóa chất thường dùng để điều tiết quá trình ra hoa kết quả của dứa, hiện nay được sử dụng nhiều ở khu vực nông trường Đồng Giao (Ninh Bình) còn B9 thì có thể tìm mua được ở những nơi có kinh nghiệm trong thâm canh cây vải thiều như ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Nhằm tăng tỷ lệ đậu quả cũng có thể dùng các hỗn hợp urê 0,4% + KH2PO4 + 0,1% MgSO4 + 5‰ 2,4D + 20 ‰ gibberillin nhằm chống rụng quả và nuôi quả lớn. Trong trường hợp không có 2,4D có thể thay thế hỗn hợp 2,4D + gibberillin bằng chế phẩm chống rụng quả. Các loại hóa chất trên đều là những loại hóa chất thông thường và cần thiết trong quá trình sản xuất lúa lai, do vậy có thể tìm mua chúng tại các cửa hàng hóa chất, các cửa hàng bảo vệ thực vật hoặc những đơn vị có sản xuất hạt giống lúa lai F1. Điều cần chú ý là việc sử dụng các loại hóa chất phun cho cây phải hết sức thận trọng. Khi phun không đúng nồng độ, đùng thời điểm thì chẳng những kết quả không được theo ý muốn mà còn gây ra những ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.