00:00 Số lượt truy cập: 3231087

Kinh nghiệm nhân rộng cánh đồng vàng trên đất mỏ 

Được đăng : 03/11/2016
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thực hiện dồn điền đổi thửa, hỗ trợ vốn cho nông dân... là những nỗ lực của chính quyền và nông dân huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) trong hơn 4 năm qua nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha trở lên đã không còn là chuyện xa vời ở vùng miền núi này.

Cánh đồng mía tím cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm ở thôn Vườn Cau (Sơn Dương) đang được nhân rộng.

Không chỉ là cánh đồng 50 triệu

Cách đây vài năm, Hoành Bồ còn là mảnh đất khô cằn, chỉ có lúa và ngô. Mỗi năm, nông dân giỏi lắm cũng chỉ sản xuất được 1 - 2 vụ nhưng rất bấp bênh vì nguy cơ thiếu nước luôn rình rập. Ông Lý Văn Phong, nông dân xã Sơn Dương kể lại: “Hồi trước chúng tôi chỉ biết trồng lúa. Ai làm giỏi lắm cũng chỉ thu được 500kg thóc/sào/vụ, chi phí nước, phân bón cũng đã gần 1 triệu đồng. Làm 2 vụ mỗi năm chỉ đủ thóc ăn chứ không dư dả để bán”.

Trong khi đó, huyện lại nằm tiếp giáp với TP. Hạ Long và các khu công nghiệp lớn của tỉnh, sản phẩm hàng hoá nông nghiệp của Hoành Bồ luôn có thị trường tiêu thụ lớn. Trước cơ hội đó, từ năm 2005, Hội đồng nhân dân huyện Hoành Bồ đã ban hành Nghị quyết 08 về xây dựng cánh đồng giá trị 50 triệu đồng/ha/năm trở lên nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đến nay, nhiều cánh đồng rau an toàn ở thị trấn Trới, cánh đồng hoa ở xã Lê Lợi đã cho thu nhập từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Khi đặt chân tới Sơn Dương - xã đang phát triển mô hình trồng mía tím, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chỉ nhờ cây mía mà người dân nơi đây có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.

Đang tỉa lá mía, chị Phạm Thị Thanh ở thôn Vườn Cau khoe: “Nhà tôi trồng 3 sào mía tím, được học kỹ thuật trước khi trồng nên cây nào cây nấy mập mạp, cao trên 2m, khách đến thu mua ngay tại ruộng, cứ đếm cây tính tiền, trung bình 3.500 đồng/cây. Như vậy, bán cả 3 sào mía nhà tôi thu về ngót 30 triệu đồng”.

Đến nay, ở Sơn Dương có nhiều gia đình áp dụng mô hình trồng mía tím, toàn xã đã trồng hơn 20ha.

Kinh nghiệm nhân rộng

Ông Vương Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Dương cho biết: “Việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn lúc đầu không phải là chuyện dễ dàng. Vừa vận động, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, chính quyền và Hội Nông dân xã vừa đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng mô hình điểm. Chẳng hạn như tại thôn Đồng Giang, Núi Bốc vụ mùa năm 2006, chúng tôi đã xây dựng thí điểm thành công mô hình trồng mía tím xen rau, ngô vụ đông... với doanh thu từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đây là bằng chứng thuyết phục nhất để nông dân học tập, làm theo”.

Ông Vũ Mạnh Thường, cán bộ khuyến nông xã nhấn mạnh: “Nông dân tham gia mô hình trồng mía tím được hỗ trợ 40% tiền giống và 20% tiền phân bón cho 1 sào mía; được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao”.

Việc hỗ trợ nông dân vay vốn, chuyển giao kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định... đang được các địa phương ở Hoành Bồ xem là bước đột phá, để những cánh đồng vàng có thu nhập từ 50 triệu đồng/ha trở lên ngày càng phổ biến.

Ông Phạm Nho, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ cho biết: “Hiện, Hoành Bồ đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con tham gia chương trình xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm trở lên với mục tiêu đến hết năm 2010, toàn huyện có 29 cánh đồng với diện tích 300ha, trong đó các xã vùng cao thực hiện 50ha. Năm 2009 đã có hơn 300 hộ trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình này với diện tích 47ha”.