Kinh tế đồi rừng- Hướng phát triển bền vững ở Tân Sơn
Được đăng : 03/11/2016
Kinh tế đồi rừng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Sơn, là giải pháp xoá đói giảm nghèo, làm giàu của nhân dân trên địa bàn huyện.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện Tân Sơn đã xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2008- 2010, định hướng đến năm 2015 với hai hướng chính là: Phát triển diện tích rừng và bảo vệ rừng, mở rộng diện tích trồng chè. Trong đó, phát triển sản xuất lâm nghiệp được bố trí trên diện tích rừng sản xuất và một phần rừng phòng hộ ít sung yếu chuyển sang rừng sản xuất; đồng thời tiếp tục phát triển rừng trên quỹ đất còn lại để hết 2010 phấn đấu đạt giá trị sản xuất lâm nghiệp 120 tỷ đồng, góp phần đảm bảo cho huyện phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH - HĐH đưa Tân Sơn trở thành huyện giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với trên 4ha chè và 12ha cây nguyên liệu, mỗi năm gia đình chị Hà Thị Khóa xã Văn Luông (Tân Sơn) cho thu nhập trên 150 triệu đồng.
Chúng tôi về Tân Sơn trong sắc nắng vàng rực rỡ của tiết trời thu. Đưa chúng tôi thăm một số trang trại, gia trại hộ nông dân làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Minh Tuấn- Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: “Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào hoạt động của Hội, phong trào nông dân làm kinh tế đồi rừng đã có bước phát triển ở nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú. Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, cổ vũ đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tân Sơn về phát triển kinh tế đồi rừng. Đồng thời đẩy mạnh chương trình phối hợp với các ban, ngành chức năng trong huyện tạo điều kiện giúp đỡ cho các hộ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, vật tư phân bón… cũng như tạo cơ hội thuận lợi để nông dân tiếp cận với “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc tổ chức kinh tế đồi rừng”. Qua tìm hiểu được biết Tân Sơn có diện tích rừng và đất rừng trên 61 ngàn ha, độ che phủ của rừng đạt 72%; diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả gần 3 ngàn ha. Kinh tế đồi rừng ở Tân Sơn hàng năm có khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, năng suất rừng trồng đạt bình quân 90m3/ ha; sản lượng chè trên 17 ngàn tấn, nhựa sơn 9,9 tấn và gần 2 ngàn tấn hoa quả… Trong những năm qua, Tân Sơn tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè ở khu vực nông thôn miền núi trên cơ sở quy hoạch lại vùng chè gồm các xã vùng Tây Nam với diện tích 2.000ha (ngoài diện tích gần 100ha của Liên doanh chè Phú Đa) và xây dựng vùng chè chất lượng cao ở Xuân Sơn, Minh Đài, Kim Thượng. Tân Sơn phấn đấu đạt giá trị sản xuất ngành chè 20 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 3.000 lao động vào năm 2010.
Trong những năm qua, người dân miền núi huyện Tân Sơn đã tập trung khai thác đất đồi, đất vườn để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng. Họ đã biến những vùng đất hoang hóa thành những vườn cây mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo và nhiều hộ vươn lên làm giàu. Do có tác động tích cực từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong tổng số 5.097 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện đã có 82 trang trại, thu hút hàng trăm lao động, góp phần nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho nhân dân, tăng vốn rừng và cải thiện môi trường sinh thái. Chủ trương phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng của huyện ngày càng thu hút được sự quan tâm của nông dân, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần phát triển và ổn định KT-XH ở địa phương. Ngoài việc tập trung thâm canh lúa, phát triển ngô hè thu, mở rộng diện tích gieo trồng vụ đông, thì huyện ưu tiên đất trồng rừng kinh tế, trồng chè và cây cao su. Thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh trên đồi, xóa bỏ phương thức canh tác quảng canh, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với cây lâm nghiệp, chè, cao su, tạo vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến, trong đó mỗi vùng đều lấy việc phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng làm nòng cốt. Khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng có hiệu quả… Đây là thành tựu quan trọng thể hiện sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đã lựa chọn đúng khâu trọng yếu để tập trung phát triển theo hướng đa dạng,phát huy được lợi thế và nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, từng bước phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Điều đáng quan tâm là kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng phát triển đã mở ra hướng làm ăn mới, hình thành một đội ngũ nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều chủ trang trại đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Bình quân hàng năm các trang trại, gia trại và hộ nông dân phát triển kinh tế đồi rừng đã tạo ra giá trị hàng hóa và dịch vụ hàng tỉ đồng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho một bộ phận nhân dân.