00:00 Số lượt truy cập: 3230225

Kinh tế mía đường ở Phú Yên, chuyện cũ mà rất mới 

Được đăng : 03/11/2016
Phú Yên hiện có khoảng 18.000ha đất trồng mía với năng suất bình quân gần 40 tấn/ha. Nhờ trồng mía, người dân ở nhiều địa phương đã xóa được đói, nghèo giảm dần, đời sống được cải thiện, không ít hộ còn trở nên giàu có. Điều này phần nào chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của ngành mía đường tại Phú Yên.

Tuy quá trình phát triển ngành kinh tế mía đường ở Phú Yên bộc lộ một số nhược điểm, hạn chế như diện tích mía được tưới nước và đầu tư kỹ thuật thâm canh còn ít; việc thay đổi giống mía có năng suất, chữ đường cao chưa tương xứng với yêu cầu; tổ chức thu mua, vận chuyển mía nguyên liệu đến các nhà máy chưa hợp tình, hợp lý, khiến người trồng mía bị thiệt thòi, hiện tượng tranh mua, tranh bán thiếu lành mạnh, tình trạng “cấm chợ, ngăn sông” còn diễn ra... nhưng xét một cách toàn diện, trồng mía và phát triển công nghiệp chế biến mía đường cũng như các sản phẩm cồn, rượu, thực phẩm bánh kho, phân bón vi sinh hữu cơ và sản xuất điện năng từ nguồn chất đốt bã mía... đang có chiều hướng phát triển tốt, mang lại lợi nhuận cao.

Nhớ lại cách đây hơn mười năm, khi khởi sự làm mía đường, do bị “hội chứng” xây dựng nhà máy đường tràn lan trong cả nước chi phối, đã phần nào làm hạn chế tầm nhìn, gò bó tư duy khiến chúng ta chưa thật sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm. Ngày nay, thực tế khách quan đã buộc chúng ta phải thay đổi sao cho phù hợp hơn với quy luật phát triển, biến Phú Yên thành “thủ phủ” của mía đường, giải phóng hoàn toàn sức sản xuất, tạo điều kiện cho một bộ phận nông dân, những người trồng mía làm ăn khá giả và làm giàu từ chiến lược phát triển ngành kinh tế mía đường.

Đây là việc làm hoàn toàn hợp lòng dân dựa trên các cứ liệu khoa học được thực tế kiểm chứng, đó là: Theo tính toán của các ngành chức năng, hàng năm nước ta còn phải nhập khẩu 300.000 tấn đường do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nghĩa là yếu tố thị trường mang tính quyết định mà Phú Yên cần tranh thủ, tận dụng để phát triển.

Ngoài 18.000ha trồng mía, tỉnh còn nhiều tiềm năng trong công tác đầu tư thâm canh với hàng ngàn hecta đất trồng mía và chỉ có thể trồng mía mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngay cả diện tích đất trồng sắn cũng cần một chế độ luân canh sắn - mía mới bảo vệ đất lâu dài.

Một điểm thuận lợi nữa là kỹ năng lao động của người trồng mía Phú Yên vốn đã rất thuần thục. Khi người trồng mía được đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật, họ sẽ có lợi thế, có thế mạnh mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được. Đất đai, lao động sẵn có cùng với chủ trương và giải pháp phù hợp sẽ tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn thay đổi bộ mặt nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đầu tư phát triển công nghiệp mía đường từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước là một lợi thế không nhỏ nữa của Phú Yên. Trước đây, do lệ thuộc vào một số nguyên nhân khách quan và tư duy bị gò bó, tầm nhìn hẹp nên xu hướng phát triển này có phần bị hạn chế, giờ đây tình hình đã hoàn toàn khác. Từ chỗ mở rộng diện tích, thâm canh tăng sản lượng mía nguyên liệu, xây dựng thêm nhà máy đường... đã phá vỡ nếp nghĩ cũ, trở thành việc làm đáng khuyến khích. Điển hình cho công tác này là nhiều nhà máy đường có 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách như KCP hay Công ty TNHH Rượu Vạn Phát đã được xây dựng hoàn thiện.

Tóm lại, đã đến lúc thay đổi cách nghĩ, mở rộng tầm nhìn, vượt qua mọi sự hạn chế để phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế mía đường, biến Phú Yên thành địa phương phát triển mía đường lớn mạnh của cả nước. Từ sự phát triển này, mọi khó khăn, vướng mắc, tồn đọng xung quanh câu chuyện mía đường chắc chắn sẽ không còn đáng bận tâm, nhất là khi thành quả lao động và niềm vui của nông dân được nhân lên gấp bội.