00:00 Số lượt truy cập: 3230818

Kinh tế trang trại Gia Lai: Thực trạng và trăn trở 

Được đăng : 03/11/2016
Gia Lai là vùng đất có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế trang trại sản xuất nông sản hàng hóa, nông sản nguyên liệu chuyên canh.


Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 2.000 hộ kinh tế trang trại; trong đó 92% số trang trại trồng trọt, 4% trang trại chăn nuôi và thủy sản, 0,2% trang trại về lâm nghiệp. Với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 200 tỷ đồng, kinh tế trang trại đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, kinh tế trang trại Gia Lai hiện vẫn còn khá nhiều tồn tại khó khăn, hạn chế đến sức vươn lên của hình thức kinh tế này. Hiện tại kinh tế trang trại của Gia Lai vẫn chủ yếu tập trung vào việc khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên về đất, thể hiện ở tỷ lệ gần như tối đa là các trang trại về trồng trọt. Các loại trang trại cần sự thâm canh cao, sự cạnh tranh lớn như chăn nuôi, thủy sản, tuy có những tiềm năng nhất định, song vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp. Trang trại trồng rừng mặc dù có quỹ đất khá dồi dào phong phú, song cần sự đầu tư vốn lớn, thời gian dài, nên vẫn còn ít phát triển. Về trình độ, chủ trang trại đa phần vẫn sản xuất kinh doanh theo kinh nghiệm, ít được đào tạo bài bản, nhất là các kiến thức về quản trị kinh doanh. Kiến thức tiếp thị, thông tin thị trường của các chủ trang trại hầu như còn rất hạn hẹp. Chất lượng nông sản, thương hiệu sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức. Vốn của các chủ trang trại còn thiếu, chưa đủ tiềm lực đầu tư… Việc phát triển của trang trại ở Gia Lai vì thế có thể nói là chưa thực sự bền vững, chưa có chiến lược rõ ràng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo các học giả, kinh tế trang trại ở Việt Nam hiện tồn tại dưới 3 hình thức là: Trang trại hộ gia đình (không sử dụng lao động làm thuê), trang trại tiểu chủ (kết hợp lao động chủ trại và lao động làm thuê), trang trại tư nhân (hoàn toàn sử dụng lao động làm thuê trong canh tác). Ở Gia Lai, với những đặc thù đối tượng cây trồng vật nuôi, điều kiện đất đai thổ nhưỡng, có lẽ định hướng phát triển mạnh các “trang trại tiểu chủ” là phù hợp nhất. Tuy nhiên hiện tại, ta vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát giữa ưu tiên phát triển trang trại sử dụng lao động làm thuê và việc giải quyết đất, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đối tượng nông dân nghèo, nhất là bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên thực tế, “trang trại tiểu chủ” có thể xem là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp. Như vậy một định hướng phát triển “trang trại tiểu chủ” là phù hợp và rất cần thiết. Tuy nhiên để phát triển tốt các hình thức trang trại này rất cần những yếu tố tác động từ chủ trương chính sách. Trước tiên là cần sự khẳng định mang tính pháp lý của nhà nước. Hiện tại nhà nước đang có chủ trương cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Chủ trương này được ban hành từ năm 2004 đến nay, song kết quả cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại vẫn không đáng kể. Thậm chí có huyện như Krông Pa, nhiều hộ trang trại xin không được cấp giấy chứng nhận, vì theo họ, đây là một loại ấn chỉ “hữu danh vô thực”. Giấy chứng nhận này hoàn toàn không có ý nghĩa trên thực tế, hơn thế, họ còn sợ kê khai sẽ bị liên lụy đến việc thu các loại thuế. Trong khi đó, nếu cần vay vốn, hộ trang trại chỉ được bảo đảm tiền vay duy nhất bằng bìa đỏ đất. Như vậy, sự khẳng định địa vị pháp lý của các trang trại nhất là các “trang trại tiểu chủ” cần phải được đặt ra. Để định hướng đúng cho sự phát triển của kinh tế trang trại, nhất thiết phải tính đến vấn đề thị trường, chất lượng và thương hiệu hàng hóa.

Nhà nước cần có quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, tạo sự liên kết gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến và hộ trang trại một cách chặt chẽ, có hiệu lực trên thực tế. Như vậy, cần có định hướng hình thành các hiệp hội trang trại hoặc các hợp tác xã trang trại để đối trọng với các doanh nghiệp chế biến và thương mại trong liên kết làm ăn. Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác (kể cả sinh học và cơ giới); phát triển mạnh cơ sở hạ tầng nông thôn. Việc phát triển kinh tế trang trại trong giai đoạn hiện nay, nhất thiết phải gắn với công tác xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới sẽ đẻ ra các chủ trang trại lớn, ngược lại các chủ trang trại sản xuất lớn sẽ là chủ thể và động lực để thúc đẩy nông thôn ngày càng phát triển. Có lẽ đã đến lúc cần có những chiến lược rõ ràng hơn trong phát triển kinh tế trang trại trên vùng đất đầy tiềm năng và cũng không ít nghịch lý của tỉnh nhà.