Trong những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Ngọc Lặc đã đề ra nhiều chính sách thiết thực, cụ thể như: hỗ trợ về đất đai, vốn; học tập và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để “Tập trung đầu tư, nâng cao quy mô, chất lượng hiệu quả của các trang trại hiện có trên địa bàn”.
Đến nay, toàn huyện có 312 trang trại (TT) đạt tiêu chí, chưa kể các gia trại, trong đó có 276 TT trồng trọt; 28 (TT) tổng hợp và 8 TT nuôi trồng thuỷ sản. Với tổng diện tích 1.676, 6ha đã được cấp Giấy chứng nhận QSD Đ, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 20 triệu đồng /ha/năm, các trang trại đã tạo việc làm thường xuyên cho 1.233 lao động và 3.848 lao động thời vụ. Cùng với việc phát triển TT, huyện còn phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho các TT vay vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư của các TT đạt 24.439, 5 triệu đồng.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và chính sách khuyến khích cụ thể, nhiều TT đã và đang làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao như TT của gia đình ông Lê Hữu Mừng (người Mường) ở xã Kiên Thọ. Trang trại của gia đình ông trồng cây ăn quả, luồng, keo, tràm, lim, lát… thu nhập trên 200 triệu đồng /năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. TT của gia đình anh Bùi Hải Đăng (người Mường) ở xã Nguyệt ấn trồng mía, cây lâm nghiệp và chăn nuôi gia cầm, thu nhập 257 triệu đồng /năm, tạo việc làm và thu nhập cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. TT của anh Lê Văn Hường ở Phùng Giáo, Bùi Văn Lợi, Bùi Ngọc Khởi ở xã Kiên Thọ… hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Nhờ có nhiều mô hình TT làm ăn có hiệu quả, sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt gần 50 nghìn tấn, tổng kinh doanh TT đạt gần 24 tỷ đồng (chưa kể cây lâm nghiệp), giá trị thu nhập bình quân TT đạt 33 triệu đồng /năm, nâng tổng thu nhập đạt 6, 5 triệu đồng/người /năm.
Ông Phạm Văn Phượng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mục tiêu đến năm 2010, toàn huyện có 545 trang trại đạt tiêu chí, phát triển theo 3 loại hình: TT cây hằng năm ở 4 xã Kiên Thọ, Phùng Giáo, Minh Tiến, Nguyệt ấn; TT cây lâm nghiệp tập trung ở các xã Thạch Lập, Cao Ngọc, Vân Am, Nguyệt ấn, Phùng Giáo; TT cây lâu năm (cao su) kết hợp chăn nuôi tập trung ở các xã Lam Sơn, Cao Thịnh, Lộc Thịnh. Ưu tiên phát triển TT lâm nghiệp: luồng, cao su, keo, tràm; khuyến khích các chủ TT liên doanh, liên kết theo mô hình HTX để nâng cao giá trị sản phẩm của KTTT”.
Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong những năm tới huyện sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về mô hình KTTT, dồn điền đổi thửa, tạo quỹ đất tập trung để người dân yên tâm sản xuất theo hướng hàng hoá. Bên cạnh đó, huyện sẽ có chính sách đầu tư, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận các công nghệ chế biến bảo quản sản phẩm cho các chủ TT, tìm kiếm, hỗ trợ các TT triển lãm, giới thiệu sản phẩm…; từng bước làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi xứ Thanh.