00:00 Số lượt truy cập: 3231990

Kinh tế trang trại ở Quảng Ngãi: Nhân tố mới trong phát triển nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Tuy thời gian phát triển kinh tế trang trại (KTTT) ở Quảng Ngãi chưa dài, nhưng những kết quả đạt được đã khẳng định đây là một trong những nhân tố mới để phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá.


Hiệu quả bước đầu

Sau gần 7 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Chính phủ, KTTT ở Quảng Ngãi đã có bước phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức tổ chức sản xuất. Theo kết quả điều tra mới nhất của Chi cục HTX và PTNT Quảng Ngãi, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 415 trang trại. Trong đó trang trại trồng trọt là 150, chăn nuôi 96, trang trại tổng hợp 93, còn lại là trang trại nuôi trồng thuỷ sản.

Nhìn chung các trang trại đều phát huy được lợi thế của từng vùng, có sự đầu tư về khoa học – kỹ thuật, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Bước đầu tạo hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong số 415 trang trại thì gần 200 trang trại cho thu nhập ổn định, bình quân 50 triệu đồng /trang trại /năm. Cá biệt, có nhiều chủ trang trại trở thành tỷ phú nông dân, mỗi năm doanh thu không dưới 200 triệu đồng. Tiêu biểu như anh Phạm Cao Chức (Tịnh Phong - Sơn Tịnh) với mô hình trang trại tổng hợp gồm 50 con bò, gần 40 con dê, trên 30ha bạch đàn, keo lá chàm, 5ha điều ghép... mỗi năm doanh thu trên 100 triệu đồng. Trang trại anh Trần Đình Đức (Hành Minh - Nghĩa Hành) cũng không thua kém, với 150 con bò sinh sản và bò sữa, trên 10ha mía và điều, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng...

ở góc nhìn khác, với một tỉnh có tới 6 huyện miền núi như Quảng Ngãi thì KTTT phát triển còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực về mặt xã hội. Nếu trước đây, người K’ro, K’Dong, H’rê quen sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp, thì hiện nay đã dần tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và tự họ có thể thành lập trang trại với vai trò là người làm chủ. Tiêu biểu như trang trại của ông Phạm Văn Diếc (Ba Dinh – Ba Tơ), có trên 10ha mía, quế và các loại cây trồng khác, mỗi năm thu gần 60 triệu đồng.

KTTT phát triển không chỉ đánh thức tiềm năng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai mà quan trọng hơn còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Với 415 trang trại hiện có, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, các trang trại có quy mô lớn từ 5ha trở lên đều phải thuê mướn lao động. Hình thức chủ yếu là thuê công nhật bình quân 300-500.000 đồng /tháng, tuỳ thuộc công việc.

Những vấn đề đặt ra

KTTT đang phát triển khá mạnh ở Quảng Ngãi, đó là con đường phù hợp để nông dân xoá đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn bất cập, quy mô còn nhỏ lẻ, phát triển tự phát là chủ yếu. Trong số 415 trang trại có tới 40% số trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này khiến các chủ trang trại khó tiếp cận vốn ngân hàng để, mở rộng quy mô sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giống nuôi còn hạn chế, chất lượng sản phẩm không cao, thị trường đầu ra ách tắc, thường xảy ra điệp khúc buồn “được mùa mất giá-nông dân thiệt”...

Để KTTT phát triển bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi cần làm tốt một số vấn đề chủ yếu sau: Trước hết, đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên phần đất của mình. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, quy mô lớn.

Về tín dụng, cần tháo gỡ khó khăn về vốn, với các thủ tục đơn giản, thời hạn và lãi suất ưu đãi, dựa trên phương án đầu tư của chủ trang trại và khả năng tài chính của ngân hàng. Có chính sách thuế phù hợp nhằm tạo động lực cho việc phát triển kinh tế hàng hoá, xoá đói giảm nghèo. Hoàn thiện, tổ chức tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm với nhiều loại hình liên doanh, liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Về tiêu thụ sản phẩm, cần khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của trang trại, phát triển công nghiệp chế biến, nhằm tăng giá trị và chất lượng hàng hoá nông sản theo nhu cầu thị trường trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Quảng Ngãi cần giải quyết tốt và đồng bộ các vấn đề trên để KTTT phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tiến trình CNH -HĐH đất nước.