Ở nơi tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất tỉnh
Ông Đặng Hữu Dích - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, buồn rầu cho biết: Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã hiện nay vào loại cao nhất tỉnh: 55% với 296/535 hộ.
Tổng lao động chính của xã là 915 người, hơn một nửa trong số này thất nghiệp! Hàng năm, có khoảng 500 lao động ở đây phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống, gửi tiền về mua gạo. T
oàn xã hiện có 2.175 nhân khẩu, nhưng chỉ có 30 ha ruộng đất canh tác, lương thực quy thóc mỗi năm chỉ đạt trên 100kg/đầu người. Nguồn thóc gạo chỉ đủ tự túc trong 3 tháng, 9 tháng còn lại phải đi kiếm tiền về ăn đong.
Ngành nghề phụ không phát triển, chỉ có 16 hộ làm nghề rửa xe, 5 hộ có thuyền thúng đi câu dọc sông và ven biển. Cả xã chỉ có 14 người đi xuất khẩu lao động, một số tham gia chăn nuôi với hơn 800 con trâu bò, còn lại là đi làm thuê.
Số người đứt bữa hiện nay không còn, nhưng có đến 2/3 hộ gia đình phải chạy ăn gạo đong, đồng nghĩa với việc từ ra Tết đến nay có hơn 1.300 nhân khẩu dân Kỳ Nam đang phải chạy ăn từng bữa.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Mai Văn Bão, sinh 1972, trú tại xóm Minh Tiến sát cánh đồng tôm của Cty Việt Anh, gặp cảnh khá thương tâm. Anh Bão bị cụt một chân, ngồi cạnh hai đứa con là Mai Thị Hằng 11 tuổi- sinh 1997 đã bỏ học hồi lớp 5, và Mai Văn Hiếu 9 tuổi đang là học sinh lớp 3 cũng đã bỏ học theo chị đi mò cua bắt ốc vừa về.
Chị Lê Thị Thủy sinh 1976, vợ anh Bảo, quê ở Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình, là lao động chính cũng vừa đi hái củi về bán mua gạo.
Chị Thủy kể: Trong trận bão tháng 8/2007 chồng em bị tai nạn ngoài hồ tôm cụt chân, nhưng đến nay Cty Việt Anh chẳng có đền bù gì. Suốt mấy tháng nằm ở bệnh viện T.Ư Huế, may nhờ bên ngoại ở Quảng Bình giúp đỡ nay anh Bão mới hồi phục.
Hiện giờ các cháu không còn điều kiện đến trường mà phải ở nhà giúp mẹ lo cái ăn cho cả nhà. Bố mẹ anh Bão là ông Mai Văn Bồi 75 tuổi, và bà Đặng Thị Nuôi 74 tuổi, nhà có 6 người con đều rất nghèo thất học phải đi làm thuê, không ai giúp đỡ gì được nhau.
Ông Nguyễn Văn Khuyên, 56 tuổi, có vợ là chị Nguyễn Thị Thuyn, 54 tuổi, ở xóm Minh Tân, nghe tin có nhà báo đến, bức xúc tìm đến dẫn chúng tôi ra phía cánh đồng tôm của Cty Việt An, nói:
“Đây là cánh đồng lúa hai vụ có nước Đập Bò cung cấp đầy đủ, mỗi năm hơn 400 hộ cày cấy, cho thu hoạch khoảng 400 tấn thóc đủ nuôi sống hàng nghìn dân, nay đã chuyển đổi cho Cty Việt Anh nuôi tôm, họ chỉ nhận chưa đến chục công nhân, thế là hàng trăm lao động thất nghiệp phải phiêu bạt vô Nam kiếm sống.
Nhà tôi có 3 con, đứa đầu là Nguyễn Văn Bản sinh 1982, con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Thảo sinh 1989. Cả hai đều học giữa chừng bậc THCS rồi bỏ đi làm thuê. Con trai út là Nguyễn Trung Nguyên 14 tuổi cũng phải bỏ học. Bọn trẻ bây giờ có sức chúng nó bỏ nhà đi hết rồi, lớp già như chúng tôi sau này biết mần chi ăn để sống”.
Những gia đình chúng tôi đến, họ đều cực nghèo, sống trong những ngôi nhà thấp lè tè lợp bằng ngói Phibrôximăng, mới nắng lên nóng như thiêu như đốt. Gia tài chẳng có gì đáng giá để đem bán được khoảng vài trăm ngàn đồng. Dường như, đến bất cứ xóm nào cũng đều nghe người dân kêu đói, kêu khổ.
Những người dân ở đây chỉ được mấy hộ dọc QL 1A như chị Đặng Thị Lợi, ông Bùi Xuân Luật, ông Nguyễn Đỗ Nhuận và chục nhà khác làm nghề đổ nước mui cho xe ô tô, kiếm dăm bảy chục ngàn/ngày, sống tạm ổn. Còn lại sống xa quốc lộ, người còn sức chỉ biết đi làm thuê, người già yếu đành cam phận ngồi than thở.
Chiều ngày 12/4, có một nhóm trẻ em 12-13 tuổi (xin miễn nêu tên) con của những gia đình nghèo trong làng lên đèo chắp tay vái lạy xin tiền hành khách qua đường, bị công an xã bắt về giao trả cho gia đình. Các cháu này đã bỏ học, một số ít sau đó được nhận vào vào làm thuê ở các quán đổ nước mui xe kiếm sống.
Ngoài những gia đình chúng tôi thống kê trên đây, Chủ tịch Đặng Hữu Dích còn đọc thuộc lòng họ tên những hộ nghèo đói: Gia đình Nguyễn Thái, Nguyễn Thị Uân, Nguyễn Thị Vú (thôn Minh Quý), Đặng Thị Choai, Đặng Thị Vân (thôn Minh Tân), Nguyễn Tiến Vọng, Nguyễn Tiến Thái (thôn Minh Thành)… Danh sách còn dài dài khó có thể ghi hết.
Hy vọng trồng mai!
Ngồi với Chủ tịch xã Kỳ Nam, chúng tôi nêu vấn đề: Dân Kỳ Nam biết làm gì để ăn? Xoay cách nào để sống? Ông Đặng Hữu Dích trả lời khá thẳng thắn: “Trước mắt phải đi làm thuê, phải chạy gạo lo cái ăn hàng ngày...
Mấy năm nay địa phương chúng tôi rất bí chưa tìm ra lời giải. Mỗi người, mỗi nhà tùy cơ ứng biến phải tự cứu lấy mình. Sắp tới tỉnh đã cho lập “Dự án khôi phục giống mai vàng Đèo Ngang” thực hiện trong 2 năm, mỗi năm kinh phí khoảng 448 triệu đồng. Dự định triển khai cho 26 hộ gia đình cùng làm, tạm thời khắc phục khó khăn”.
Chúng tôi dự tính khoảng 900 triệu đồng cho hai năm, cho 26 nhà/ 535 hộ gia đình với hơn 2.000 dân. Nếu Dự án thành công thì lượng mai ấy có “cứu” nổi khoảng 1.300/2.000 người dân Kỳ Nam hàng năm thiếu đói?