Giống mới, tạo đà mới
Năm 2007, giống bí xanh số 1 được trồng thí điểm trên diện tích 55ha tại các xã Tráng Liệt, Cổ Bì, Vĩnh Hồng (Bình Giang) và Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ). Nhờ những đặc tính vượt trội, giống bí này nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà con, giúp nâng thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh rau giá trị kinh tế cao.
Trong mô hình này, Tráng Liệt có số hộ tham gia nhiều nhất (127 hộ), diện tích 15ha. Xã vốn có truyền thống trồng rau màu, chủ yếu là cây vụ đông và bí xanh vụ xuân hè. Tuy nhiên, thói quen canh tác cũ không mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là với bí xanh. Theo ông Thực, nguyên nhân chính là do giống cây không được tuyển chọn nên nhiễm bệnh và năng suất thấp.
“Từ lâu, tôi quen dùng giống bí xanh cũ để lại từ vụ trước. Do vậy, giống ngày càng thoái hóa. Tôi đang băn khoăn, chưa biết trồng cây gì thay thế thì được HTX giới thiệu giống bí xanh số 1, mới trồng một vụ nhưng tôi tin đây là hướng đi đúng”, ông Nguyễn Văn Vinh, một người dân trồng bí xanh lâu năm, thổ lộ.
Mô hình trên là sự phối hợp giữa Viện Cây lương thực - thực phẩm và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hải Dương. Để triển khai có hiệu quả, cán bộ của Viện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh; trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất cho bà con như: lên luống, gieo hạt, kỹ thuật bao hoa, thụ phấn, chọn quả giống và bảo quản hạt giống…
Thu nhập gấp 3 lần trồng lúa
Bà Phạm Thị HòaB, người có thâm niên trồng bí xanh ở khu Thượng, xã Tráng Liệt cho biết: “Năng suất giống bí xanh số 1 cao hơn hẳn giống bí địa phương. Vụ xuân hè vừa qua, gia đình tôi trồng một sào (360m2), thu được gần 1.000 quả, ước đạt khoảng 3 tấn. Với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg, gia đình tôi thu 6 - 7 triệu đồng”.
Gia đình ông Lê Văn Quang ở cùng xã cũng “mừng ra mặt” khi trồng 2 sào bí xanh số 1, cho năng suất hơn 2 tấn/sào, thu về 9 triệu đồng. Ông tâm sự: “Bên cạnh năng suất cao, chất lượng bí xanh số 1 cũng tốt hơn giống bí địa phương. Thịt quả giòn, ngọt, quả thẳng đều, hình dáng đẹp, trọng lượng vừa phải (2 – 2,5 kg/quả)”.
Ông Thực chia sẻ kinh nghiệm: “Trước đây, bà con thường không làm giàn hoặc làm giàn hình chữ A, nên hình thức quả xấu, dễ bị sâu bệnh phá hoại. Với giống bí xanh số 1, bà con được hướng dẫn cách làm giàn khum nên bí rất sai quả, quả thẳng, ít bị nhiễm bệnh do không tiếp xúc trực tiếp với đất”.
Thời vụ xuống giống bí xanh số 1 vào hai thời điểm, trà đầu từ 20 đến 23/12; trà sau muộn hơn, từ 1 đến 5/1 năm sau. Đầu năm nay, do thời tiết bất thường, nhiệt độ xuống thấp, hạt giống mọc chậm nên cây kém phát triển. Vì vậy, ruộng bí không đồng đều, cho thu hoạch chậm hơn dự kiến.
Mặc dù vậy, giống bí xanh số 1 vẫn đạt hiệu quả cao. Theo đánh giá của ông Thực, đây là giống bí phát triển tốt, thân lá xanh đậm, ít sâu bệnh, ngọn mập, đẹp, dày nụ cái, tỷ lệ đậu quả cao. Vụ xuân hè 2008, HTX Tráng Liệt trồng thử nghiệm 15ha, năng suất ước đạt 1,5-2 tấn/sào, trừ chi phí, mỗi sào bí xanh cho lãi 3,2 triệu đồng (88,6 triệu đồng/ha).
Qua trồng thử nghiệm, giống bí xanh số 1 cho thu nhập gấp 3 lần trồng lúa. Ông Thực cho hay, vụ xuân hè tới, Tráng Liệt sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, ông còn lo lắng về một số loại sâu bệnh trên bí, đặc biệt khi đất không còn độ màu mỡ và tỉ lệ vi -rút gây bệnh tiềm ẩn cao. Ông đề nghị Viện Cây lương thực - thực phẩm giúp đỡ bà con quy trình phòng trừ sâu bệnh để thu được kết quả cao nhất.