Atisô là loại cây trồng đặc trưng của Đà Lạt (Lâm Đồng), có tác dụng mát gan, thông tiểu, kích thích tiêu hóa, giải độc… Sau một thời gian khó khăn trong tiêu thụ, năm nay, atisô được mùa, được giá nên nông dân rất phấn khởi.
Hiện, diện tích trồng atisô tại Đà Lạt không ngừng tăng vì lợi nhuận ngày càng cao. Theo số liệu của Cục Thống kê Lâm Đồng, diện tích trồng atisô ở Đà Lạt năm 2009 là 30ha, đến đầu năm 2011 tăng lên 54ha, trồng chủ yếu ở các phường 10, 11, 12. Năm nay atisô được mùa, được giá hơn so với năm trước. Mới đầu mùa, atisô tươi được mua tại vườn với giá 25.000-30.000 đồng/kg (atisô phơi khô 130.000- 150.000 đồng/kg); vào lúc thu hoạch rộ, atisô tươi giá 15.000 - 20.000 đồng/kg (atisô phơi khô 90.000- 110.000 đồng/kg). Ông Hồ Đấu, Chủ tịch Hội Nông dân phường 11 cho biết: "Năm nay, một sào atisô có thể thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng" (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2).
Để phát triển ổn định diện tích atisô, UBND thành phố Đà Lạt đã hỗ trợ kinh phí nhân giống, đưa các giống atisô có năng suất cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các phường cũng tích cực tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Mặt khác, các cơ quan chức năng còn tìm giải pháp tiêu thụ atisô giúp nông dân yên tâm hơn về đầu ra.
Atisô là cây trồng đặc biệt, có thể tận dụng được hoa, lá, cuống, rễ... để tạo ra các sản phẩm khác nhau. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ atisô rất lớn vì đây là cây trồng có công dụng tốt đối với sức khỏe con người. Ngoài việc chế biến làm đồ ăn, atisô còn được dùng để làm các loại trà, một số công ty dược của Lâm Đồng còn mua atisô chế biến các loại thuốc và cao. Đây là sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng sử dụng. Không những vậy, vài năm trở lại đây, atisô còn được xuất khẩu đi một số nước. Đó là những nhân tố rất thuận lợi để Đà Lạt tiếp tục mở rộng diện tích atisô, tạo điều kiện cho các hộ nông dân trên địa bàn tăng thu nhập.
Vụ atisô năm nay được mùa là niềm vui lớn cho các hộ nông dân. Đi đến một số vùng đang thu hoạch atisô, chúng tôi cảm nhận được sự hân hoan của bà con. Chị Nguyễn Thị Hương ở phường 12 tươi cười nói: "Trước đây, trồng atisô có nhiều rủi ro, cây hay bị dịch bệnh, tiêu thụ khó, nhiều khi không dám đầu tư trồng vì lợi nhuận quá thấp. Nhưng nay được sự hỗ trợ của địa phương và một số công ty nên việc tiêu thụ atisô khá dễ dàng". Đi đến các vườn atisô, đâu đâu cũng thấy không khí thu hoạch khẩn trương, những nét mặt rạng rỡ. Nhiều hộ đang có dự định chuyển diện tích các loại rau truyền thống sang trồng atisô.
Sắp tới đây, việc trồng atisô tại Đà Lạt sẽ có thêm nhiều động lực để phát triển. Năm 2000, dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ nhằm hỗ trợ và phát triển các loại cây trồng, Lâm Đồng là 1 trong 8 tỉnh được chọn để thực hiện dự án, trong đó cây atisô đã được đưa vào dự án. Yêu cầu của dự án này cũng rất khắt khe. Dự án chọn 50 hộ nông dân tiêu biểu trong việc trồng atisô, có một công ty đứng ra đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Dự án hỗ trợ gần như toàn bộ cho nông dân về giống, phân bón, khâu tiêu thụ, bà con chỉ cần áp dụng các phương pháp trồng trọt tiên tiến để chăm sóc atisô đạt hiệu quả kinh tế cao. Dự án này vừa góp phần thúc đẩy việc trồng atisô ở Đà Lạt, vừa tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân trên địa bàn.