00:00 Số lượt truy cập: 2675895

Làm giàu từ mặt nước bỏ hoang 

Được đăng : 03/11/2016
Thấy một bàu nước rộng lớn bị bỏ hoang nhiều năm, anh Tô Sơn Hảo, ở thôn Phước Nhuận xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) đầu tư nuôi cá nước ngọt. Bấy giờ, nhiều người cho rằng: “Khéo đem của đổ xuống sông”. Ấy vậy mà giờ đây, anh Hảo là người đi đầu trong mô hình nuôi cá nước ngọt ở Đồng Xuân.


Anh Hảo ấp ủ ý tưởng nuôi cá nước ngọt trên con bàu Bún gần nhà từ 2 năm nay. Nhà ở gần con bàu, hằng ngày anh đều đi ngang qua con bàu rộng hơn 15.000m2 thấy cả một diện tích rộng lớn bỏ không nhiều năm, anh xót xa tiếc rẻ. Nhưng nghĩ lại, rớ tay vào thì không dễ ăn vì nước lênh láng làm sao mà quản lý, thu hoạch? Thế rồi với quyết tâm, anh đem chuyện này bàn với nhiều người trong xóm, đặt vấn đề đầu tư nuôi cá. Thế nhưng tất cả đều ngao ngán lắc đầu: “Thôi đi ông, đừng làm cái chuyện hoang tưởng”.

Dù vậy, anh vẫn trăn trở đi xung quanh bàu, suy nghĩ tìm cách làm. Cuối cùng anh quyết định đầu tư. Ban đầu anh đến ủy ban xã thuê diện tích mặt nước bàu Bún, đăng ký con giống. Ngày thả giống anh lấy phấn ghi lên cánh cửa sổ sau chái bếp đó là ngày 3/1/2006 với số lượng cá giống thả: 6855 con. Mới tính sơ sơ tiền mua con giống 400 đồng/con đã lên tới 2.742.000 đồng và tiền thức ăn ban đầu ươm cá thấy… “rim mình”, vì số tiền mới hai khâu lên đến 16 triệu đồng. Nhiều người qua lại thấy anh trồng trụ kéo điện xầm xì bàn tán: “Để rồi coi, thằng Hảo sẽ trắng tay”.

Họ ái ngại cũng phải bởi với số diện tích rộng như vậy, có đến cả trăm đám ruộng ở xung quanh, mà mỗi đám ruộng là một họng nước thì làm sao quản lý được. Khi sạ cũng như khi gặt tất cả trăm đám ruộng không có đường nào khác đều tháo nước xuống bàu, chưa tính lỗ mọi rịn chảy xuống, như vậy thì cá sẽ ức nước róc theo lên ruộng từ đám này qua đám khác, xuống mương rút rồi theo con nước… ra sông. Thế nhưng mô hình thắp điện xung quanh bàu mang lại kết quả cao và cũng là sáng kiến của anh Hảo. Ngoài việc giăng lưới xung quanh, anh thắp điện sáng đêm, khi cá róc lên ruộng một vài ngày thì cũng nhớ “nhà” quay trở lại. Đúng vậy cá đi theo dòng nước thì không ai cản nổi nhưng như có phép thần, chúng đều quay lại xuống bàu. Theo anh Hảo: “Chúng nhớ điện!”.

Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng trung bình đạt 500g/con, tỉ lệ sống đạt 70%, cá nằm đặc sệt dưới nước với 2.399kg, giá bán tại địa phương 26.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Vụ này anh thu vào gần 50 triệu đồng. Anh Hảo cho biết: “Đó là tính tại thời điểm nuôi 6 tháng, còn đến thời điểm này, cá nuôi được 9 tháng, trọng lượng cá tăng gần gấp đôi, tiền cũng tăng theo…”. Đây chỉ mới tính số lượng cá nuôi, còn cá tự nhiên dưới bàu, cá tràu, cá trê to bằng bắp chân, cá thác lác bằng bàn tay xòe, tính ra thu tiền triệu trở lên nữa.

Từ mô hình nuôi cá nước ngọt thành công này, Phòng Kinh tế huyện Đồng Xuân đã chọn bàu Bún nuôi cá của anh Tô Sơn Hảo tổ chức hội thảo đầu bờ cho bà con nông dân trong huyện vào tháng 6 vừa qua. Theo Phòng Kinh tế huyện Đồng Xuân: “Đây là ao nuôi tự nhiên nên trong quá trình nuôi có rất nhiều thuận lợi nhất là việc tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên nên chi phí đầu tư thấp. Mặt khác cá nuôi trong ao bàu tự nhiên, phát triển tốt không có dấu hiệu bệnh lý”. Cá của anh Hảo bán ra thị trường được nhiều người ưa chuộng vì thịt ăn ngon, không hôi rong hôi bùn như cá nuôi ao tự đào. Hiện nay 67 hộ ở huyện Đồng Xuân đang học tập nhân rộng mô hình của anh Hảo.