00:00 Số lượt truy cập: 3228190

Làm giàu từ trồng rừng, kết hợp nuôi tôm ở huyện Hòa Bình 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân ở Bạc Liêu ồ ạt nuôi tôm sú, nhưng lại thiếu hiểu biết về khoa học - kỹ thuật và không coi trọng bảo vệ môi trường, dẫn đến tôm chết hàng loạt. Gần đây, tại vùng ven biển huyện Hòa Bình xuất hiện hàng trăm hộ dân làm giàu nhờ áp dụng mô hình sản xuất tôm - rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.



Bí thư Huyện ủy Hòa Bình Ðoàn Ngọc Sai khẳng định: Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm tại các xã ven biển của huyện áp dụng vài năm gần đây đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân vừa bảo đảm nguồn thu bền vững, vừa làm tốt việc bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển. Từ mô hình này, Huyện ủy đang tiếp tục chỉ đạo nhân rộng đến các hộ ven biển. Hiện nay, không ít xã, thị trấn ven biển của tỉnh cũng đang áp dụng mô hình sản xuất tôm - rừng, mở ra một hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Bạc Liêu.


Những ngày đầu năm 2007, chúng tôi trở lại các xã ven biển Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A và Vĩnh Thịnh thuộc huyện Hòa Bình, để tìm hiểu rõ hơn hiệu quả về mô hình sản xuất tôm - rừng nơi đây. Dọc theo tuyến đê Trường Sơn, phóng tầm mắt ra hướng biển, chúng tôi chứng kiến hàng trăm ha rừng, chủ yếu cây đước, cây mắm độ ba, bốn năm tuổi, xanh non ngút ngàn đang vươn cao. Tiếng lá rừng xào xạc pha lẫn tiếng sóng biển rì rào, cùng với mùi thơm thoang thoảng của hương hoa cây mắm, cây đước, khiến cho bất kỳ ai đến đây cũng có cảm giác khoan khoái. Chỉ cách đây chừng năm năm thôi, khi ấy phong trào "Nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm" ở Bạc Liêu trở thành cao trào, cuốn hút nhiều hộ dân, kể cả cán bộ xã, đua nhau phá đập, dẫn nước mặn vào đồng lúa để nuôi tôm. Còn ở ven biển, người ta đua nhau chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất rừng, đào ao, mương để nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp. Vì vậy, hàng nghìn ha rừng phòng hộ ven biển Hòa Bình đang xanh tốt bỗng chốc bị chặt phá không thương tiếc, trở thành những đầm tôm... Nhưng đến nay, thì mọi chuyện đã khác hẳn. Có lẽ, chính quyền và nhiều hộ dân nơi đây đã nhận thức rõ hơn "cái giá phải trả" do chặt, phá rừng phòng hộ nên đã quan tâm bảo vệ và chăm sóc rừng.


Ông Vũ Quang Ngọc, ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, cho biết: Ấp Thống Nhất có gần 400 hộ dân, quê gốc huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) vào xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm đất nước mới thống nhất. Những năm trước, bà con nơi đây từng cải tạo vùng đất ven biển này để trồng lúa, nhưng nhiều năm trồng lúa thất bại, cho nên đời sống của các hộ dân hết sức khó khăn. Khi chuyển sang nuôi tôm thì ào ào, nhiều hộ thiếu hiểu biết về kỹ thuật, ít kinh nghiệm; không có vốn cũng đua nhau vay vốn ngân hàng, kể cả vay bên ngoài với lãi suất cao để nuôi tôm... Kết quả, nhiều hộ điêu đứng, lao đao vì tôm nuôi bị chết, nợ nần như "Chúa chổm". Ðến nay, nhờ sản xuất theo mô hình tôm - rừng, đời sống đồng bào trong xã đã đổi khác. Những ngôi nhà mới xây trị giá hàng trăm triệu đồng, đã và đang mọc lên. Ông Ngọc cho biết thêm: "Căn nhà và hầu hết tài sản có giá trị này là nhờ gia đình tôi sản xuất theo mô hình tôm - rừng kết hợp. Từ năm 2000, khi mọi người còn "mê mẩn" với nuôi tôm sú công nghiệp, hộ thu lãi cao thì ít, mà hộ lỗ đậm thì nhiều, tôi đã bắt tay vào sản xuất tôm - rừng vụ đầu tiên năm ha. Buổi đầu cũng gặp không ít khó khăn, phải đem từng cây mắm, cây đước từ rừng phòng hộ về trồng theo mô hình tôm - rừng kết hợp. Cách làm này vừa giữ được rừng phòng hộ ven biển, vừa đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình này, chính quyền địa phương đang khuyến khích và nhiều hộ ven biển cũng đang thực hiện đạt hiệu quả. Ở xã Vĩnh Hậu, nói đến anh Nguyễn Văn Chinh, nhiều người đều biết. Bởi, anh là người có cá tính, thích tìm tòi cái mới trong làm kinh tế, mặc dù không ít lần thất bại, thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Ngay từ những năm 1993-1994, anh là người đầu tiên ở vùng biển này nuôi tôm sú, có năm thu lãi gần 500 triệu đồng. Anh vui vẻ cho biết: "Nuôi tôm sú công nghiệp cũng gần giống như "đánh bạc" với ông trời. Có năm thu lãi gần 500 triệu đồng đấy, nhưng cũng chẳng mấy chốc trắng tay, vì rủi ro cao. Còn sản xuất theo mô hình tôm - rừng kết hợp, tuy thu lãi hằng năm không cao bằng nuôi tôm sú công nghiệp, nhưng chắc ăn hơn, bền vững hơn, lại không phải hồi hộp, lo âu. Với diện tích hơn bảy ha sản xuất tôm - rừng kết hợp, mấy năm qua, chưa năm nào gia đình tôi bị thua lỗ, mỗi năm thu lãi ít nhất cũng gần 200 triệu đồng".


Ngoài mô hình của hộ ông Vũ Quang Ngọc và anh Nguyễn Văn Chinh, tại xã Vĩnh Hậu hiện có gần 400 hộ đang sản xuất theo mô hình tôm - rừng, với diện tích lên đến gần 700 ha đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Theo số liệu chưa đầy đủ của UBND huyện Hòa Bình, không chỉ xã Vĩnh Hậu, mà các xã Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh..., hàng trăm hộ dân đang áp dụng mô hình sản xuất tôm - rừng kết hợp. Thực tế cho thấy, việc trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng phòng hộ ven biển, không chỉ có tầm quan trọng ngăn sóng, gió biển, bảo vệ sản xuất và cuộc sống con người, mà nó còn có tác động quan trọng và trực tiếp đến môi trường, đến hiệu quả sản xuất của hàng nghìn hộ dân ven biển của huyện và tỉnh Bạc Liêu.


Bí thư Huyện ủy Hòa Bình Ðoàn Ngọc Sai phấn khởi thông báo với chúng tôi: Từ thực tiễn của mô hình sản xuất tôm - rừng kết hợp tại các xã ven biển, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện cũng ra Nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững đến năm 2010. Theo đó, đối với vùng phía nam, Huyện ủy chỉ đạo tiếp tục phát huy thế mạnh nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình nuôi tôm kết hợp như tôm - cá, cá - cua... phấn đấu đến năm 2010, đạt tổng sản lượng 43.000 tấn thủy sản trở lên, trong đó tôm đạt sản lượng 24.000 tấn. Ðối với vùng phía bắc của huyện thì quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, với quy mô tập trung 20.000 ha/năm (hai vụ). Ðặc biệt, huyện chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình lúa - cá, lúa - màu..., phấn đấu xây dựng ngày càng nhiều cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm.


Mô hình sản xuất tôm - rừng kết hợp ở huyện Hòa Bình đã và đang được nhân rộng đến nhiều địa phương, mang lại sự phát triển ổn định, bền vững và niềm vui, hạnh phúc đến với nhiều hộ gia đình.